Nấu ăn ngay tại cửa hàng kinh doanh gas Mua bán, trao đổi sản phẩm gas, bình gas là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện. Công tác PCCC theo đó phải được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, bởi khi xảy ra hỏa hoạn tại các điểm kinh doanh mặt hàng này, hậu họa khôn lường. Quy định ngặt nghèo là vậy, còn thực tế thì sao? Ngày 11/6, chúng tôi có cuộc khảo sát tại một số điểm kinh doanh gas trên địa bàn thành phố. Điểm đầu tiên và cũng để lại nhiều ấn tượng “hãi” nhất, đó là cửa hàng kinh doanh gas H.T nằm tại khu tập thể Thành Công, trên đường Nguyên Hồng (quận Ba Đình – Hà Nội). Cửa hàng H.T có diện tích kinh doanh khoảng 20m 2 . Bình gas được xếp lộn xộn cùng với hàng chục bình nước đóng chai. Nhìn qua ít ai nghĩ rằng đây là điểm kinh doanh gas, bếp gas. Như để “tranh thủ” quảng cáo cho sản phẩm bình gas của mình, chị chủ cửa hàng còn cho lắp đặt hệ thống “bếp” với một bình gas có trọng lượng hơn 10kg cùng hệ thống dây dẫn vào bếp gas mini ngay trước cửa hàng. Chị thản nhiên đun nấu mặc cho khoảng cách giữa các bình gas đặt trong cửa hàng với “bếp” di động này chưa đầy 2m.
Khi thấy chúng tôi lo ngại trước việc đun nấu có thể bén lửa vào các sản phẩm gas bên trong cửa hàng, chị chủ cửa hàng thản nhiên cho biết, hằng ngày chị vẫn đun nấu vậy, đâu có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra đâu mà lo(!). Không chỉ đun nấu ngay tại khu vực kinh doanh sản phẩm gas, nhiều cửa hàng bán gas trên địa bàn thành phố hiện còn phớt lờ các quy định về công tác PCCC. Tại cửa hàng kinh doanh V.A trên phố Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa – Hà Nội) vào trưa 11/6, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhân viên ở nơi đây tất bật với việc vận chuyển bình gas đi giao cho khách. Bên trong cửa hàng, bình gas được xếp hàng dài. Theo anh chủ cửa hàng cho biết, một bình gas có trọng lượng 12kg bao gồm vỏ, vam khóa gas (loại tốt) có giá 950 ngàn đồng/bình. Loại bình này được “nhập” từ khu công nghiệp chuyên sang chiết gas bên Bắc Ninh. Ghi nhận ở đây, chúng tôi cũng giật mình khi cửa hàng cũng lắp đặt dụng cụ PCCC – bình bọt, song dường như lắp chỉ để… trưng bày. Bởi qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, 2 chiếc bình bọt trên đã hoen gỉ, vứt lăn lóc trong góc nhà, bên trên phủ hàng chục vỏ bình nước đóng chai, nhìn rất phản cảm. Đừng để… quá muộn! Theo Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 20 trạm chiết, nạp gas. Các trạm chiết nạp thường vi phạm về việc sắp xếp hàng hóa cản trở lối đi lại, xếp gần bảng điện khoảng cách tối thiểu theo chiều ngang dưới 1,5m. Chai chứa khí ở một số trạm đặt nơi không bằng phẳng, thấp hơn khu vực xung quanh và làm bằng vật liệu dễ cháy. Việc sắp xếp chai chứa không đảm bảo theo quy định (van an toàn không quay về 1 phía…). Từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 2 điểm chiết nạp gas (có quy mô lớn) trái phép. Một điểm nằm trên địa phận thị trấn Châu Quỳ và một điểm nằm ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm – Hà Nội).
Kinh doanh, sang chiết gas trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ xảy hậu họa khôn lường. Để tránh những vụ hỏa hoạn, cháy nổ, chủ các cơ sở kinh doanh, sang chiết gas cần nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định, nội quy và biện pháp về PCCC và yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật; tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình PCCC; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về PCCC của cơ quan, tổ chức mình. Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCC, không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận. Được biết, sau vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, các ngành chức năng Hà Nội đang có cuộc tổng kiểm tra gần 500 cây xăng trên đia bàn. Kinh doanh gas, sang chiết gas cũng là một loại kinh doanh có điều kiện và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để tránh xảy ra hậu quả xấu, việc thường xuyên giám sát, kiểm tra về đảm bảo an toàn PCCC là rất cần thiết.
|