Online : | 6 | |
Tổng lượt : | 3289773 | |
Xả thân giữa “trận địa lửa” |
||
Cùng chung tay viết nên bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không thể không nhắc đến lực lượng PCCC của Công an Hà Nội, đặc biệt là Đội phòng cháy chữa cháy Lộc Hà, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 31-12-1973
Ông Nguyễn Ngô Hòa (phải) cùng ông Dương Quang Hơn (Đội trưởng Đội PCCC Lộc Hà những năm 1982-1992) bên chiếc xe đã gắn bó với mình suốt thời trẻ tuổi Hơn 40 năm trôi qua, CBCS thuộc Đội PCCC Lộc Hà giờ đã sang thế hệ thứ 3. Đội cũng không còn ở trụ sở cũ - thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm mà chuyển về thị trấn Đông Anh với tên gọi mới, Phòng Cảnh sát PCCC Đông Anh (thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội). Thời điểm năm 1972, cả đội có 30 người, được trang bị 3 xe chữa cháy: một chiếc GAZ 63 và 2 chiếc Zil 157. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, dưới mưa bom, bão đạn, những người chiến sĩ PCCC Lộc Hà đã trực tiếp cứu chữa cả trăm vụ cháy, sơ tán, bảo vệ khối lượng lớn hàng hóa, vật tư, súng đạn, lương thực, xăng dầu, tính mạng và tài sản của nhân dân… Một trong những chiến công đầu tiên của Đội PCCC Lộc Hà là lần máy bay địch đánh phá trận địa tên lửa Cổ Loa, tháng 8-1967. Một quả tên lửa đang nằm trên bệ phóng thì bị mảnh bom xuyên thủng, nhiên liệu chảy ra ngoài gây cháy lớn. Nhận được lệnh, các chiến sĩ PCCC Lộc Hà ngay lập tức có mặt, dù lúc đó, máy bay địch vẫn quần thảo. Khi đó, CBCS của đội với thao tác nhanh, chính xác, khống chế nhiên liệu chảy ra từ quả tên lửa, tập trung dập gọn từng cụm lửa, kịp thời cứu được trận địa tên lửa. Cũng trong năm 1967, Đội PCCC Lộc Hà tiếp tục lập công trong trận chiến chống “giặc lửa” tại tổng kho A, Đông Anh. Đông Anh là một trong những cửa ngõ quan trọng của Hà Nội thời điểm bấy giờ, vì ga Đông Anh là nơi tập trung nhiều hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, đây cũng là nơi có kho xăng Bãi Trám, địa bàn chiến lược. Vì thế, trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Đông Anh nằm trong tầm bắn phá của Không lực Hoa Kỳ. Nhưng bất chấp bom rơi kín bầu trời, các chiến sĩ của Đội PCCC Lộc Hà luôn kịp thời có mặt trên mọi “trận địa lửa”, chiến đấu, chiến thắng với tất cả sự mưu trí, dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc, vì sự an toàn tính mạng của người dân. Suốt trong 12 ngày đêm ứng trực, các chiến sĩ phòng cháy Lộc Hà đã tham gia dập lửa trong vụ cháy tàu chở đạn tại ga Yên Viên, Việt Hùng, Liên Hà, Uy Nỗ… Tham gia chữa cháy tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang năm 1972 “Lách” bom mà đi Khi tôi có mặt tại Phòng CS PCCC Đông Anh, cũng đúng lúc các chiến sĩ trẻ của phòng đang tập trung dọn vệ sinh, lau rửa chiếc xe Zil 157, biển số 29C 0684 đang được trưng bày phía ngoài sân. Thượng tá Nguyễn Hoàng Sơn, Phó trưởng Phòng CS PCCC Đông Anh cho biết, đây là kỷ vật vô giá của phòng, trong suốt những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, cùng với các chiến sĩ PCCC Lộc Hà, xe đã tham gia cả trăm vụ cháy, sau ngày hòa bình, xe vẫn được sử dụng cho tới mãi sau này. Với sự giúp đỡ của Thượng tá Nguyễn Hoàng Sơn, tôi tìm gặp được ông Nguyễn Ngô Hòa (65 tuổi), là CBCS Đội PCCC Lộc Hà năm xưa. Trong ký ức của ông Hòa vẫn nguyên vẹn hình ảnh đêm 18-12-1972, khi bom B52 rải thảm ở Đông Anh. Ngay khi phát hiện ga Đông Anh có cháy, cả đội lên đường. Xe chữa cháy chạy phía trước, bom rơi sau lưng, nhưng anh em trong đội vẫn cứ “lách” bom mà đi vì: “Người dân và tài sản Nhà nước đang cần cứu hỏa từng phút từng giây”. Lại cũng có hôm, bom “xô” xe nghiêng xuống ao, anh em trong đội chờ hết bom, hò nhau kéo xe về, để rồi khi có đám cháy mới, lại tiếp tục lên đường. Lúc Đội PCCC Lộc Hà được điều động tăng cường dập lửa tại Kho xăng Đức Giang năm 1972, ông Hòa mới 25 tuổi. Và đó cũng là trận chiến không bao giờ phai mờ trong ký ức của ông. Không chỉ bể chứa, téc xăng, mà những đường ống dẫn ở khu vực này cũng bị cháy do bom bi hay những mảnh bom găm thủng. Từ những lỗ thủng đó, xăng phun ra, gặp lửa tạo thành những vòi lửa dài tới hàng mét. Khi đó, ông Hòa cùng những người đồng đội của mình, xông vào biển lửa, dùng giẻ ướt nút những lỗ thủng trên đường ống dẫn và trên bể để vừa bảo vệ không cho xăng tràn ra ngoài vừa ngăn không cho lửa bén vào. Từ đó, mới tiến hành dập và cách ly ngọn lửa từng khu vực. Khi đó, lính cứu hỏa không được trang bị phương tiện như bây giờ, quần áo mặc khi chữa cháy chỉ được may bằng vải bạt dầy hơn bình thường một chút, lại cũng không có ủng hay mặt nạ phòng độc. Cách đơn giản nhất mà lực lượng cứu hỏa khi đó áp dụng là người ở phía sau, phun nước làm mát, để đồng đội có thể tiếp cận gần hơn với đám cháy… Với tinh thần chiến đấu quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng những giọt xăng trong kho, lực lượng PCCC của Công an Hà Nội cũng đã thành công trong việc cứu chữa kho xăng Đức Giang. Với thành tích xuất sắc này cùng những chiến công đạt được trong đợt oanh tạc miền Bắc 12 ngày đêm của Mỹ, Đội chữa cháy Lộc Hà đã được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 30 CBCS của Đội PCCC Lộc Hà năm xưa, người trẻ nhất giờ cũng đã ngấp nghé tuổi 70. Đội trưởng Đào Văn Phệ, Đội phó Lê Thanh Hiền đã mất cách đây mấy năm. Hàng năm, cứ đến ngày 4-10, ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam thì anh em lại có dịp hội tụ và hàn huyên. Tiếp nối những thành tích hào hùng của đơn vị, CBCS những năm sau này đều tích cực phát huy truyền thống, phấn đấu luyện rèn. Ông Phùng Tửu Bôi, nguyên cán bộ phòng Điều tra và Quy hoạch rừng-Bộ Nông nghiệp: “Nhờ có hầm trú ẩn mà tôi thoát chết” Với người Hà Nội, hầm trú ẩn đã trở nên rất quen thuộc và gắn bó mật thiết trong thời kháng chiến. Với cá nhân tôi, nhờ có hầm trú ẩn mà tôi đã thoát chết. Ngày B52 rải thảm ở Khâm Thiên, tôi đang ở Sơn La. Sau khi họp xong lại tức tốc về Hà Nội theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan. Vừa về đến Văn Điển, nơi cơ quan đóng trụ sở tại đó được một lúc thì có còi báo động yêu cầu lập tức xuống hầm. Chợt tôi nghe thấy một tiếng nổ đinh tai và tai tôi ù đặc đi, mùi thuốc súng nồng nặc trong căn hầm. Sau khi lên mặt đất, tôi mới biết là bom nổ gần hầm trú ẩn và cơ quan tôi làm việc ở Văn Điển là nơi hứng chịu đợt ném bom B52. Cứu được nhiều người, nhưng hầm trú ẩn cũng chứng kiến những câu chuyện đau lòng. Anh bạn tôi nhận được lệnh đi sơ tán, tìm con mãi không thấy. Sau một hồi tìm kiếm, gia đình mới phát hiện ra cháu đã ngã xuống hầm trú ẩn trong gia đình và mất. PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo: Quý cái tình của người Hà Nội Hà Nội những năm 1972 nhỏ bé, nhà cửa không cao lớn và lượng người cũng không đông đúc như hiện nay. Nên sau những đợt ném bom dải thảm của máy bay B52, nhìn Hà Nội khi ấy giống như cánh đồng chết chóc, lỗ chỗ hố bom. Nhà cửa tan hoang, vắng lặng. Những đứa trẻ bị mất bố mẹ đứng khóc lặng người trước cảnh hoang tàn đổ nát vẫn luôn là một hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi về sự hủy diệt của pháo đài bay B52. Nhưng thời gian đó, cái tình của người Hà Nội thật thiêng liêng. Con người nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng, nặng về thương cảm và dường như người ta sợ rằng, ngày hôm sau, ai đó sẽ ra đi trong vòng vây của bom B52. Tôi khi ấy đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi biết thông tin về phố Khâm Thiên, tôi đã đến đây từ tờ mờ sáng để giúp đỡ những người đang bị mắc kẹt, kéo những xác chết ra khỏi đống đổ nát. Tôi trở về sau chuyến đi ấy đã không thể ăn được cơm bởi mùi xác người cháy ám cả vào quần áo. Người Hà Nội khi ấy cho dù không quen biết gì nhau nhưng đối xử với nhau rất có tình. Tôi ra cửa hàng mậu dịch mua thức ăn về cho anh em đã được cô mậu dịch viên cho những miếng ngon nhất, bởi cô lo rằng, nhỡ ngày mai, bom B52 rơi trúng cửa hàng thì thật lãng phí chỗ thức ăn này. Tuy gian khổ nhưng tình cảm con người dành cho nhau thật trân trọng.
|