Qua thẩm duyệt thiết kế PCCC, Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng nhận thấy: nhiều hồ sơ thiết kế công trình khi gửi về sở không đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định đã được cơ quan Cảnh sát PCCC yêu cầu điều chỉnh, khắc phục các sai sót trong thiết kế công trình.
Cụ thể, nhà thiết kế và chủ đầu tư không xác định được khoảng cách an toàn giữa nhà và công trình trong và ngoài dự án hoặc có xác định nhưng không đảm bảo an toàn PCCC. Nhà và công trình không đảm bảo kết cấu vật liệu xây dựng đủ thời gian giới hạn chịu lửa, không đảm bảo bậc chịu lửa công trình, vượt quá khoang cháy. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ cháy nhanh, lan rộng, có thể làm sập công trình.
Nhiều công trình thiết kế không đạt yêu cầu về thoát nạn (kích thước chiều cao, chiều rộng, số lượng của cửa, lối đi hành lang, cầu thang), không đảm bảo yêu cầu về chống tụ khói, không có giải pháp ngăn cháy chống cháy lan, chống sự cố bục vỡ tràn của chất lỏng dễ cháy, không có thiết bị báo và xử lý rò rỉ chất khí dễ cháy, không có hoặc có nhưng không đảm bảo an toàn hệ thống chống tĩnh điện đối với thiết bị chứa, vận chuyển chất lỏng dễ cháy. Hệ thống điện, chống sét thiết kế lắp đặt không đúng quy định an toàn phòng chống cháy, nổ. Giao thông phục vụ chữa cháy không đảm bảo cho xe chữa cháy cơ động tiếp cận đám cháy, trữ lượng nguồn nước chữa cháy không đảm bảo (cấp nước trong nhà và cấp nước ngoài nhà) và bố trí không thuận lợi cho việc hút nước chữa cháy.
Việc lựa chọn thiết bị, hệ thống báo cháy, chữa cháy không đúng chủng loại, không phù hợp với điều kiện chất cháy, thiết kế lắp đặt không đảm bảo số lượng, khoảng cách và vị trí theo quy định sẽ khiến việc báo cháy chậm trễ. Sử dụng phương tiện chữa cháy hoạt động không hiệu quả sẽ làm mất tác dụng của hệ thống chữa cháy. Ví dụ: hệ thống điện cấp cho máy bơm chữa cháy (động cơ điện) đi qua chất dễ cháy hoặc đấu điện chung với công trình, khi chữa cháy buộc phải cắt điện thì máy bơm chữa cháy không sử dụng được hoặc công suất bơm chữa cháy không đảm bảo cột áp, lưu lượng cấp nước chữa cháy (nhất là hệ thống chữa cháy tự động). Các chủ đầu tư lắp đặt các thiết bị PCCC nhưng không quan tâm đến chất lượng. Nhiều công trình, nhà xưởng có hệ thống báo cháy nhưng lắp đặt không đúng, hoặc có lắp đặt nhưng không sử dụng được.
|
Thẩm duyệt thiết kế PCCC các nhà cao tầng giúp ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ (ảnh minh họa một số tòa nhà cao tầng tại HP). |
Quá trình xây dựng, một số công trình do không thẩm duyệt về PCCC (đối với công trình thuộc danh mục phải thẩm duyệt) và thiết kế không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định (đối với công trình thuộc danh mục chủ đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, cơ quan quản lý xây dựng tự chịu trách nhiệm về phê duyệt thiết kế về PCCC). Hoặc công trình không thực hiện việc nghiệm thu về PCCC theo quy định nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm thì cơ sở đã đi vào hoạt động.
Để đảm bảo an toàn PCCC cần tạo tạo thêm lối thoát nạn thứ 2, làm hệ thống thoát khói, buồng đệm cho cầu thang, đặt máy tạo áp, máy hút khói... không thực hiện được, nhiều công trình không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Việc khắc phục, bổ sung các yếu tố này gặp nhiều khó khăn do phải thay đổi kết cấu, kiến trúc tòa nhà. Thậm chí, có công trình không thể thực hiện được việc cải tạo, lắp đặt, bổ sung các nội dung nói trên. Nếu công trình này tiếp tục hoạt động sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản là không lường.
Việc thẩm duyệt, thiết kế và phê duyệt thiết kế PCCC phải được thực hiện trước khi xây dựng công trình. Vì nếu hậu kiểm, các đơn vị thiết kế hoặc chủ đầu tư không biết hoặc không thực hiện quy định an toàn khiến công trình tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn. Khi thẩm duyệt về PCCC hoặc phê duyệt dự án, cơ quan chức năng phát hiện sai sót sẽ kịp thời điều chỉnh bản vẽ thiết kế trước khi xây dựng. Nếu công trình đã hoàn thành thì khi hậu kiểm có sai phạm buộc phải phá dỡ công trình để khắc phục gây tốn kém về kinh tế. Việc vi phạm các quy định về thiết kế, thẩm duyệt về PCCC là do nhận thức của chủ đầu tư, nhà thiết khi xây dựng công trình.
Trên thực tế, nhiều nhà thiết kế, chủ đầu tư quan niệm việc thẩm duyệt về PCCC là thủ tục hành chính mà không thấy được đây là khâu rất quan trọng để kiểm tra các sai sót trong xây dựng công trình nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng công trình. Các công trình được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đúng quy định sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra cháy lan cháy lớn hoặc sập đổ công trình, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra; mặt khác các cơ quan chức năng sẽ không phải kiến nghị và xử lý vi phạm về PCCC; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác tổ chức chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Nhà đầu tư cần xác định cơ quan thẩm duyệt PCCC là người bạn đồng hành trong kiểm tra, giám sát việc thiết kế và thi công công trình cho chính mình. Việc thiết kế PCCC phải đảm bảo các yêu cầu: địa điểm xây dựng công trình bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC đối với các công trình xung quanh; bậc chịu lửa hay mức độ chịu lửa của công trình phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác; công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống nổ của công trình và bố trí các hệ thống, máy móc, thiết bị bảo đảm các yêu cầu an toàn về PCCC; hệ thống thoát nạn gồm: cửa, lối đi, hành lang, cầu thang chung, cửa, lối đi, cầu thang dành riêng cho thoát nạn, thiết bị chiếu sáng và chỉ dẫn lối thoát, thiết bị thông gió và hút khói, thiết bị cứu người, thiết bị báo tín hiệu bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy; hệ thống báo cháy và phương tiện chữa cháy bảo đảm số lượng, vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình...