Không để lặp lại như vụ cháy trung tâm thương mại Hải Dương
Theo Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, trong 3 năm 2010 - 2012, trên địa bàn TP xảy ra 300 vụ cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu vực dân cư và 34 vụ cháy rừng, làm chết 02 người, bị thương 13 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 50 tỉ đồng và 147 ha rừng. "Nếu tính thiệt hại gián tiếp do ngưng trệ sản xuất thì tổng thiệt hại sẽ tăng lên gấp nhiều lần" - Đại tá Lê Ngọc Hai nói.
Tại Đà Nẵng từng xảy ra vụ cháy cực lớn tại Công ty Hữu Nghị trong KCN An Đồn (Ảnh: HC) |
Ông cho hay, hiện trên địa bàn TP có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, nhiều toà nhà phức hợp cao tầng và siêu cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại, kho hàng hoá... Trong đó có nhiều nơi lưu trữ hàng hoá, vật tư vượt quá tải trọng thiết kế, sử dụng các loại vật liệu dễ cháy, nổ.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có thời gian hoạt động khá lâu, kết cấu nhà xưởng, công trình, các hệ thống máy móc thiết bị, hệ thống điện xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống PCCC có nơi mất tác dụng. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh lại xảy ra tình trạng để hàng hoá, vật liệu dễ cháy lấn chiếm lối đi, hoặc cơi nới làm giảm khoảng cách an toàn PCCC...
"Trong khi đó, các điều kiện phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không đảm bảo; trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc; trách nhiệm trong quản lý công tác PCCC còn lỏng lẻo... dẫn tới tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra cháy, nổ khó lường và ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố về địa lý, thời tiết thường xuyên xảy ra thiên tai, bão, lũ, nắng nóng kéo dài là điều kiện làm tăng nguy cơ cháy" - Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu không được để lặp lại tình trạng như ở vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương (Ảnh: HC) |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, PCCC là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, do khó lường, khó dự báo nên cũng rất khó xử lý. Những tình hình như Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng báo cáo đặt ra cho công tác PCCC trên địa bàn TP những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó việc tổ chức cứu chữa những đám cháy, nổ lớn, phức tạp là công việc có tính cấp thiết, cần có phương án xử lý một cách có hiệu quả.
"Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không được để xảy ra tình trạng như ở vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, vụ cháy xảy ra khoảng sau 12 giờ khuya, người ta gọi điện tới 6 cuộc nhưng đến phải cuộc thứ 5 thì mới bắt được máy. Từ vị trí cơ quan PCCC tới nơi xảy ra cháy chỉ cách 1 cây số nhưng xe cứu hoả lại chạy lòng vòng tới 3 cây số. Tôi nhắc lại điều này để mọi người đừng để mất cảnh giác, xảy ra chết người lại bên này đổ qua bên kia thì vừa thương tâm vừa là không hay lắm!" - ông Phùng Tấn Viết yêu cầu.
Cả quận trọng điểm Hải Châu không có đơn vị PCCC nào!
Trong khi đó, theo Đại tá Dương Cảnh Mai, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, do Sở này ra đời "trễ" (năm 2011), tính đến nay mới hai năm rưỡi nên việc quy hoạch đất đai bố trí cho các đơn vị PCCC trên địa bàn theo quy định của Luật PCCC đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều đơn vị Cảnh sát PCCC của Đà Nẵng hiện đang thiếu đất để bố trí theo đúng luật định (Ảnh: HC) |
"Quận Hải Châu là quận trung tâm TP, có rất nhiều cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ, nhiều bệnh viện lớn, nhiều trường đại học, cao đẳng... và các cơ quan đầu não về kinh tế, chính trị của TP đều đóng tại đây. Nhưng hiện không có đơn vị PCCC nào ở quận Hải Châu, trong khi luật yêu cầu phải có. Theo quy định của luật, 3 cây số là phải có một trạm vệ tinh PCCC để việc chữa cháy đạt hiệu quả, chống cháy lan, cháy lớn, chống phát hoả nhưng cả cái quận trọng điểm số 1 TP này lại chưa có" - Đại tá Dương Cảnh Mai nói.
Mặt khác, theo Đại tá Dương Cảnh Mai, hiện việc bố trí các đơn vị Cảnh sát PCCC trên địa bàn TP còn "không đúng trung tâm, chỗ có nguy cơ cháy lại không có đất để bố trí nên phải bố trí ở xa". Ông đơn cử trường hợp đơn vị PCCC của hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà được bố trí tít trên Thọ Quang (gần bán đảo Sơn Trà).
"Ở đó chữa cháy rừng thì kịp thời nhưng chữa cháy dưới này chắc không đảm bảo vì quá xa. Chữa cháy phải kịp thời từ 20 phút trở lại mới có khả năng chữa tốt, chứ nếu quá 20 phút, đám cháy bùng lên rồi, có khi khi xịt nước vô nó lại càng cháy thêm. Đội Cảnh sát PCCC quận Liên Chiểu được bố trí "hoành tráng" 4.000 - 5.000m2 nhưng lại nằm trong... khu công nghiệp nên cũng gặp nhiều khó khăn khi chạy ra chữa cháy ở bên ngoài!" - Đại tá Dương Cảnh Mai cho hay.
Chiếc xe thang 52m vừa được Bộ Công an bố trí cho Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng chỉ có thể phục vụ chữa cháy lên đến tầng 15 - 16, trong khi hiện ở Đà Nẵng đã có nhà cao gần 40 tầng! (Ảnh: HC) |
Bên cạnh đó, hiện lực lượng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác PCCC. Mới đây, Bộ Công an đầu tư cho Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng được 3 chiếc xe chuyên dụng, gồm 1 chiếc xe cứu hộ cứu nạn, 1 xe chữa cháy và đặc biệt là một xe thang 52m phục vụ chữa cháy nhà cao tầng, trị giá khoảng 15 tỉ đồng. Tuy nhiên xe thang này chỉ vươn tới 15 - 16 tầng, trong khi ở Đà Nẵng hiện đã có nhà cao gần 40 tầng.
"Phương tiện phục vụ chữa cháy rất là cần, bởi vì cháy bây giờ không giống như cách đây vài chục năm. Cháy bây giờ là cháy hoá chất, xăng dầu... và nhiều yếu tố không phải dễ chữa. Vừa rồi TP.HCM đầu tư loạt xe chữa cháy công nghệ mới (công nghệ 1.7) chữa cháy cả điện, xăng dầu.... Mỗi chiếc khoảng 8 - 15 tỉ đồng, người ta đầu tư một lúc 15 chiếc. Trong khi mình 1 chiếc mua cũng chưa được. Loại đó mình chưa có.
Đội Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn của mình chỉ có một chiếc ca nô phục vụ chữa cháy trên sông nhưng là loại ca nô bình thương được cải tiến để bố trí thêm máy bơm. Trong khi mới đây UBND TP.HCM đã đầu tư trang bị tàu chữa cháy chuyên dụng trị giá lên tới 1 triệu USD, không chỉ chữa cháy trên sông mà còn tham gia chữa cháy các nhà cao tầng ở gần sông nữa!" - Đại tá Dương Cảnh Mai phản ánh.
pccc, thiet ke pccc, công ty pccc, he thong pccc, phong chay chua chay, phòng cháy chữa cháy, hệ thống chữa cháy, hệ thống pccc