Thành phố hiện có hơn 200 chợ truyền thống và hàng trăm khu vực buôn bán sầm uất, trong đó nhiều chợ và khu vực buôn bán được hình thành từ vài chục đến cả trăm năm. Hầu hết là đầu mối cung cấp hàng hóa cho thành phố và cả khu vực miền nam như Chợ Lớn (quận 6), chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), chợ vải Soái Kình Lâm (thương xá Ðồng Khánh - quận 5), chợ quần áo may sẵn Tân Bình (quận Tân Bình), chợ An Ðông (quận 5)... Do cũ kỹ và chật chội, những chợ này cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Tại hầu hết các chợ này, mỗi sạp hàng chỉ rộng khoảng vài mét vuông nhưng bày la liệt đồ đạc và chất đống cao ngút đầu. Vì diện tích nhỏ, nên đa số các chủ quầy hàng lấn chiếm, tận dụng lối đi, lối thoát hiểm để chứa hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh vẫn còn lén lút đốt nhang đèn, thậm chí hút thuốc lá tại các khu vực bán hàng hóa. Tại một số chợ, các chủ sạp kinh doanh còn chất hàng hóa che khuất các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, hộp cứu hỏa... Những điều này khiến các chợ có nguy cơ mất an toàn về cháy nổ rất cao.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các chợ này đều được trang bị khá đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, bình chữa cháy mi-ni; đồng thời cũng bố trí lực lượng bảo vệ vừa làm công tác bảo vệ vừa làm công tác PCCC. Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hiếu, cán bộ kiểm tra an toàn PCCC (Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh), lực lượng này khá mỏng và dàn trải. Số lượng người trong ca trực vào ban đêm thường không bảo đảm, chỉ từ 7 - 10 người cho hàng nghìn mét vuông diện tích chợ. Ngoài ra, do thường xuyên xảy ra tình trạng mất cắp trang thiết bị PCCC, một số chợ cũng đã khóa các tủ PCCC nên khi xảy ra cháy cũng khó mà xử lý kịp thời. Hơn nữa, một số họng chữa cháy vách tường ở các chợ không có trang bị vòi, lăng chữa cháy cũng khiến cho công tác PCCC tại các chợ gặp khó khăn hơn.
Trưởng ban quản lý chợ hóa chất Kim Biên Lưu Thị Kinh Nhung cho biết, công tác PCCC có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các mặt hàng dễ cháy như hóa chất. "Ban quản lý chợ cũng thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm chỉnh công tác PCCC; ký cam kết không tự ý câu móc điện, sử dụng các vật liệu dễ cháy nổ, không thắp nhang thờ cúng và đốt giấy tiền vàng mã trong quầy sạp, không hút thuốc lá trong phạm vi chợ. Tuy nhiên do chưa ý thức được hiểm họa từ cháy nổ, vẫn còn một vài tiểu thương lén lút vi phạm, gây mất an toàn về PCCC", bà Nhung cho biết.
Trong khi đó, theo ông Trần Minh Hiếu, ở hầu hết các chợ, các quầy sạp bên trong đều được bố trí thông thoáng để dễ thoát nạn. Trong khi đó, bên ngoài được bao quanh bởi các tuyến đường giao thông, vừa là khoảng cách ngăn cháy giữa chợ và khu dân cư, vừa là đường đi lại cho xe chữa cháy hoạt động khi có sự cố. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh doanh, những khu vực này đều được các tiểu thương tận dụng, lấn chiếm bày bán hàng hóa, dự trữ hàng. Ðiều này đã gây mất an toàn về PCCC rất lớn khi lối thoát nạn bên trong hay đường giao thông bên ngoài đều bị thu hẹp, thậm chí có chợ còn bị các tiểu thương che kín.
"Ðể hạn chế những nguy cơ cháy nổ tại các chợ, trước hết, người đứng đầu là Ban quản lý chợ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác PCCC cho tiểu thương. Ngoài việc kiểm tra định kỳ của cơ quan cảnh sát PCCC, Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở, sự cố để kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các chợ phải tổ chức cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa lại hệ thống điện. Bởi trong năm qua, các vụ cháy chợ diễn ra chủ yếu do chập điện. Bên cạnh đó, các chợ cần làm tốt việc xây dựng lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, với phương châm bốn tại chỗ là "lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ". Thực tế cũng cho thấy, hơn 50% số vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố vừa qua đều do lực lượng tại chỗ dập tắt trước khi lực lượng cảnh sát PCCC đến nơi", Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh Trần Triều Dương cho biết.
Phó Ban quản lý chợ vải Soái Kình Lâm Hồ Văn Sạn cũng cho biết, do chợ là nơi tập trung khối lượng lớn về hàng hóa với nhiều chủng loại, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy cho nên công tác PCCC tại chợ được xem là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, công tác PCCC cần phải huy động sự tham gia của rất nhiều người, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chữa cháy, ban quản lý chợ... Tuy nhiên, trước hết và quan trọng nhất là nâng cao ý thức chấp hành an toàn PCCC và huy động sự tham gia của chính những tiểu thương trong chợ.
pccc, thiet ke pccc, công ty pccc, he thong pccc, phong chay chua chay, phòng cháy chữa cháy, hệ thống chữa cháy, hệ thống pccc, chữa cháy tự động, thi cong pccc, thi công pccc, lap dat pccc, lắp đặt pccc,