Online : | 17 | |
Tổng lượt : | 3291389 | |
Coi chừng cháy vì… bình chữa cháy! |
||
Tại TP.HCM, đây không phải lần đầu tiên thiết bị thông dụng nhất trong công tác cứu hỏa này phát nổ. Trước đây, vụ nổ bình chữa cháy loại 12kg tại cửa hàng chuyên bán thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) Thăng Long trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) cũng đã khiến một người bị dập nát chân trái. Cuối năm 2011, một vụ nổ tương tự xảy ra khi đang san chiết khí từ bình lớn sang bình nhỏ tại thành phố Cà Mau khiến ông Nguyễn Đức Thuận (32 tuổi) trọng thương. Năm 2012, vụ nổ bình chữa cháy tại P.Long Bình Tân (TP. Biên Hòa) cũng khiến nạn nhân Phạm Văn Doanh (35 tuổi) bị dập nát chân trái. Hiện nay, dịch vụ bơm các loại bình chữa cháy các dạng bột, khí CO2 tại TP.HCM có giá khá rẻ. Sáng ngày 21/7, trong vai người có nhu cầu nạp lại bình chữa cháy, chúng tôi tìm đến cửa hàng của Công ty T.B. trên đường Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình. Nhân viên ở đây cho biết, giá sạc bình khí và bình bột là 15.000đ/kg/lần. Vì bình chữa cháy chúng tôi mang theo đã cũ, có hiện tượng vỏ mòn, nhân viên cửa hàng cho biết: "Trước khi bơm sẽ kiểm tra thủy lực, nếu mòn sẽ bơm ở áp suất vừa phải. Nhiều người còn mang bình cũ hơn đến nạp. Chủ yếu để đối phó với đoàn kiểm tra PCCC". Tương tự, khi chúng tôi đem bình chữa cháy đến các cửa hàng bán thiết bị PCCC có dịch vụ sạc bình trên đường CMT8, Q.Tân Bình, các nhân viên cũng nhận làm, không hề khuyến cáo nên thay bình mới.
Bình chữa cháy phải được kiểm tra định kỳ tối đa 30 ngày một lần.(Ảnh: Cửa hàng bán thiết bị PCCC trên đường CMT8, Q.Tân Bình) Theo ghi nhận, trên thị trường TP.HCM, giá bình chữa cháy của các nhà sản xuất có sự chênh lệch… rất cao. Bình chữa cháy loại xách tay 5kg dạng khí CO2 xuất xứ Trung Quốc có giá từ 500.000-600.000đ/bình. Trong khi đó, bình chữa cháy tương tự do Malaysia sản xuất có giá lên đến 2.500.000đ/bình, bình chữa cháy do Singapore sản xuất trọng lượng chỉ 4,5kg đã có giá 1.800.000đ/bình. Nhiều cửa hàng cho biết, bình chữa cháy Trung Quốc chiếm đến 80% số hàng bán ra vì giá rẻ, mẫu mã không thua hàng của các nước. Các đầu mối phân phối bình chữa cháy Trung Quốc cũng chiết khấu hoa hồng cao hơn so với mặt hàng cùng loại nhập từ các nước khác. Đây cũng là lý do khiến người dân chủ yếu mua bình chữa cháy giá rẻ hoặc đem bình cũ đi nạp lại thay vì sử dụng các sản phẩm bình chữa cháy chất lượng, giá thành cao. Thậm chí, nhiều nơi, nhiều trang mạng còn rao thu mua bình chữa cháy cũ, sau đó tân trang lại để bán cho khách hàng. Trung úy Phan Công Thành, Phòng Cảnh sát PCCC Q.3 khuyến cáo: "Nếu quá trình nạp sạc không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc". Thượng tá Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy cho biết: "Hiện các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị PCCC không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Cảnh sát PCCC như các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Lý do, sản phẩm bình cứu hỏa không thuộc danh mục chất dễ cháy như xăng dầu. Việc thực hiện thao tác san nạp khí CO2 vào bình chữa cháy lại là quy chuẩn an toàn lao động, thuộc quản lý của Sở LĐ-TB-XH". PV Báo Phụ Nữ đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Việt - Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH để tìm hiểu về quy trình an toàn lao động trong việc chiết nạp bình cứu hỏa sau vụ nổ tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, thì ông Việt cho biết, việc đó thuộc chuyên môn của cảnh sát PCCC!
|