Google+
Kỹ thuật
Hotline :0909822766 Mr.Thọ
Kỹ thuật thi công
Hotline :0973090044 Mr. Bảo
Tư vấn kỹ thuật
Hotline :08-62711366
Kinh doanh
Hotline :08-66767.114
Online : 5
Tổng lượt : 3291276

Cháy nổ, dưới góc nhìn... 114 (3)

Vụ cháy chợ lớn nhất Quảng Ngãi vào năm 2012 cùng với nhiều vụ hỏa hoạn tại các chợ huyện mà thỉnh thoảng ta vẫn thấy ở nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ cháy nổ ở một trong những nơi tập trung nhiều người và tài sản nhất.

Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có hơn 85 chợ lớn nhỏ, trong đó nhóm chợ loại 1 gồm chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Đầu Mối là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao nhất. Ngoài ra, còn có 23 Trung tâm mua sắm tập trung, siêu thị... có lượng người đông đúc, bày bán nhiều mặt hàng dễ cháy như điện máy, áo quần, vải  vóc... Trong 4 chợ cấp 1 nói trên thì chợ Cồn có "tuổi thọ" cao nhất và là nơi mà lực lượng PCCC "bận tâm" nhất. Với tổng diện tích mặt bằng 13.000m2, chợ này có đến 3.000 hộ tiểu thương kinh doanh và khoảng 8.000 đến 10.000 người ra vào mua bán mỗi ngày. Quy mô là vậy nhưng vì được xây dựng từ rất lâu nên hiện chợ "khuyết" hai thứ cần có nhất là hệ thống báo cháy và tường lửa.

Ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Cty Quản lý Hội chợ triển lãm & các chợ Đà Nẵng cho biết, chợ Cồn được xây dựng từ tháng 12-1985, cho đến nay cấu trúc, thiết kế, cơ sở hạ tầng đều lạc hậu, xuống cấp so với yêu cầu của thực tế. Trong điều kiện khó có thể tiến hành các biện pháp nâng cấp, sửa chữa thì cả tiểu thương và cơ quan quản lý cùng khai thác, sống chung và cùng nhau đối phó với những nguy cơ thường trực. Hai nguy cơ lớn nhất của chợ Cồn chính là các quầy hàng dày đặc ở khu vực quần áo, vải vóc, hương đèn, nhôm nhựa và hệ thống điện. Theo BQL chợ Cồn, mặc dù đã được phân ra thành 3 hệ thống là điện kinh doanh, điện bảo vệ và điện ưu tiên nhưng hầu hết được lắp đặt phụ thuộc theo thiết kế cũ nên không tránh khỏi những bất cập. Ở chợ Cồn, mỗi cen-ti-mét vuông đều sinh ra tiền, nên các quầy hàng bố trí san sát, nhìn vào là... tức thở.

Tiểu thương vẫn bất cẩn khi sử dụng mạng lưới điện bùng nhùng. 

Ngoài những lý do mang tính khách quan, muốn khắc phục cũng khó, thì nguy cơ hỏa hoạn còn nằm trong ý thức của một bộ phận tiểu thương cũng như người đi chợ. Chuyện thờ cúng, đốt nhang trong chợ gần như đã được loại bỏ từ lâu nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy vài vụ việc giật mình. Mới đây, BQL chợ đã buộc nghỉ kinh doanh 15 ngày đối với một tiểu thương vì xông trầm. Một số tiểu thương khác, hết ngày là đóng cửa hàng đi về một mạch mà không thèm tắt điện. "Một vài thói quen nhỏ thôi, nhưng nếu không khắc phục được sẽ có thể gây hậu họa khôn lường. Nguy cơ từ các vụ cháy thường nằm ở thời gian 3-4 giờ sáng và đầu giờ khuya. Các vụ cháy ngầm thường xảy ta vào thời điểm không có người", ông Lê Ngọc Thanh nói.  

Một nguy cơ khác có thể mang "họa" vào chợ bất cứ lúc nào đó là khách hàng. Không ít lần lực lượng đảm bảo ANTT của chợ Cồn chứng kiến những tình huống khiếp vía vì người đi chợ vừa gọi điện thoại vừa ngậm điếu thuốc đang cháy len lỏi qua các gian hàng như đi vào chốn không người. Mà chợ Cồn thì có tới 13 cái cửa ra vào...

Để ngăn ngừa cháy nổ, chợ Cồn bố trí lực lượng PCCC và đảm bảo ANTT 24/24 giờ. Với phương châm 4 tại chỗ, tất cả nhân viên phụ trách bảo vệ, an ninh đều được tập huấn về nghiệp vụ PCCC và làm chủ các thiết bị được bố trí sẵn. 1 máy nổ, 1 bình điện 25kVA, 3 cột nước, 1 xe PCCC chuyên nghiệp cùng bể ngầm chứa 280m3 nước thường xuyên được kiểm tra và vận hành thử để sẵn sàng cho mọi tình huống. Tại các quầy hàng, hiện tại được bố trí 600 bình chữa cháy mini với sự đóng góp 50% kinh phí của các hộ tiểu thương.

Ở chợ Cồn, tiểu thương kinh doanh rất nhiều mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao. 

Không chỉ các chợ thành phố, nguy cơ cháy nổ đang là một mối đe dọa lớn đối với các chợ cấp quận, huyện, các trung tâm thương mại, siêu thị. Mới đây, Sở CSPCCC TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo các Phòng CSPCCC trực thuộc tiến hành kiểm tra nguy cơ cháy nổ tại các chợ trên địa bàn. Trong đó, trên địa bàn Q. Hải Châu có tổng cộng 12 chợ với 4 chợ loại 1 (Cồn, Hàn, Đống Đa, Đầu Mối); 3 chợ loại 2 (chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Hòa Cường, Chợ mới Hòa Thuận); 5 chợ loại 3 (chợ Thanh Bình, chợ Nại Hiên, chợ Hoành Sơn, chợ Cây Me, chợ Nam Dương). Kết quả cho thấy rất nhiều chợ thiếu các trang thiết bị PCCC. Dây dẫn điện bên trong ki-ốt của các hộ kinh doanh hầu như chưa được bọc trong ống nhựa chống cháy và các bảng dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện chưa được lắp đặt cố định. Các chợ còn lại qua kiểm tra cũng ở trong tình trạng tương tự. Kết thúc đợt kiểm tra này, Phòng CSPCCC Hải Châu đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính đối với chợ Thanh Bình và chợ Nại Hiên.

Không chỉ ở Hải Châu, khu vực Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu cũng tồn tại rất nhiều ngôi chợ cấp quận có mật độ người mua bán rất cao nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác phòng chống cháy nổ. Phổ biến nhất không gì khác ngoài hệ thống điện dày đặc và những lỗi "lãng xẹt" của kẻ mua cũng như người bán. Mặt khác, nếu các chợ trọng điểm được trang bị phương tiện PCCC tương đối chủ động thì ở "chợ đàn em" vẫn còn nhiều thiếu thốn. Không chỉ thiếu phương tiện hiện đại, ngay cả nguồn nước dự phòng hay bình chữa cháy cá nhân vẫn còn chưa đủ đáp ứng. Mà nếu có chăng nữa thì cũng rất nhiều người chưa một lần cầm đến cái bình chứ đừng nói chuyện thao tác sử dụng, rồi người biết sử dụng có khi đụng đến bình thì bình không còn hoạt động được nữa.

Giặc lửa nguy hại đến thế nào, ai cũng biết. Nhưng để phòng chống nó cho có hiệu quả, triệt tiêu mọi nguy cơ thì còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề kinh phí. Trong hoàn cảnh này, không có gì quan trọng hơn bằng sự chủ động phương án của cơ quan chức năng và ý thức "mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy".