Gas là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao và có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thế nhưng, nhiều cửa hàng gas hiện nay nằm trong các khu dân cư không đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
Bài 1: Những lỗ hổng về điều kiện an toàn
Với việc buông lỏng các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhiều cửa hàng gas chẳng khác nào những “quả bom” ở giữa các khu dân cư.
Không đủ điều kiện phòng, chữa cháy
Theo quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), các cửa hàng kinh doanh gas phải có tổng diện tích mặt bằng tối thiểu là 25 m2, diện tích phòng bày bán tối thiểu là 12 m2, không chứa trên 1.000 kg gas, có lối thoát nạn, đầy đủ các phương tiện về PCCC, người kinh doanh mặt hàng này phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC… Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hầu hết các điểm kinh doanh gas đều không đủ những điều kiện trên.
Một trong những cửa hàng gas bị ngưng hoạt động do không đủ tiêu chuẩn PCCC trong đợt kiểm tra cuối năm 2012 đến nay vẫn hoạt động. Ảnh: Thu Trang
|
Tại địa bàn Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) có thể thấy những bất cập điển hình trong việc quản lý kinh doanh gas hiện nay. Toàn phường Vĩnh Phúc có 6 cửa hàng kinh doanh gas, các cửa hàng này thường chỉ có diện tích nhỏ từ 20 - 30 m2 nhưng chứa đến 80 - 100 bình gas lớn nhỏ, mỗi bình gas có khối lượng từ 12 - 24 kg. Các bình gas xếp chồng lên nhau trong một không gian chật hẹp. Có mặt tại cửa hàng gas Bích Thủy, 420 đường Bưởi, chúng tôi được nhân viên ở đây tận tình mời chào. Bên trong cửa hàng chừng 20 m2 này, có đến gần 100 chiếc bình gas cỡ 12 kg xếp chồng lên nhau. Với số lượng bình gas như vậy, hầu hết các cửa hàng gas đều vi phạm quy định về trọng lượng gas được lưu trữ tại cửa hàng.
Theo quy định, người kinh doanh mặt hàng gas phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC nhưng nhiều nhân viên bán hàng không biết sử dụng bình chữa cháy. Cũng tại cửa hàng gas Bích Thủy, chúng tôi thấy có 4 - 5 bình chữa cháy mini phủ đầy bụi nằm ở góc cửa hàng. Thấy tôi chú ý đến “đống bụi” này, cậu nhân viên nhanh nhảu: “Bình gas chữa cháy đấy, không có cái này thì bị phạt ngay”. Nhưng khi được hỏi có biết sử dụng không và đã bao giờ sử dụng chưa thì cậu nhân viên này chỉ cười và lắc đầu.
Không có lối thoát nạn
Quy định về lối thoát nạn rất quan trọng đối với một cửa hàng gas. Thế nhưng, rất nhiều cửa hàng gas tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay nằm xen lẫn trong các khu dân cư không đáp ứng được quy định này. Tại TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng kinh doanh gas trên đường Phan Văn Hân, Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh), cửa hàng kinh doanh gas Phi (quận 9) có diện tích đều rất nhỏ, không có lối thoát nạn, các bình gas xếp san sát nhau. Do đó, nếu xảy ra tình trạng cháy nổ thì sẽ rất khó khăn trong công tác PCCC và gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thượng tá Chu Văn Vàng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, TP Hà Nội đặc biệt lo ngại đối với những cửa hàng gas mà bên dưới là cửa hàng và bên trên là nhà dân ở. Thượng tá Chu Văn Vàng cho biết: “Ngoài cửa chính, cửa hàng gas phải có ít nhất một lối thoát nạn dự phòng, có cửa mở ra ngoài hoặc cửa đẩy sang bên để người ở trong dễ thoát khi có sự cố. Nhiều cửa hàng gas không có lối thoát nạn, hơn nữa, có người sinh sống ở các tầng trên. Nếu xảy ra cháy nổ, khói, lửa, nhiệt theo nguyên lý sẽ bốc lên tầng cao nên sẽ rất nguy hiểm”. Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn về khoảng cách kinh doanh gas trong khu dân cư nên tình trạng buôn bán kinh doanh gas trong khu dân cư vẫn còn diễn ra phổ biến. Do đó, nhiều người dân cũng rất lo lắng về các cửa hàng kinh doanh gas nằm ở các khu vực khu dân cư. Đặc biệt, vừa qua chính quyền và người dân quận 1 cũng đã kiến nghị thành phố cho dời các cửa hàng kinh doanh gas ra khỏi khu dân cư. Theo tôi, sắp tới chúng ta cần phải có quy chuẩn rõ ràng về khoảng cách an toàn đối với các cửa hàng kinh doanh gas gần khu dân cư”.