Online : | 24 | |
Tổng lượt : | 3291156 | |
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy: Cần làm rõ công tác cứu hộ, cứu nạn trong luật (13/06/2013) |
|||
Sáng 12-6, Quốc hội (QH) thảo luận về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn. Nhiều nội dung đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, trong đó nổi lên những vấn đề được quan tâm là: Lực lượng PCCC phải được xây dựng tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả; công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra cháy nổ như thế nào...
Từ vụ cháy nghiêm trọng tại cây xăng
ở đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội
cho thấy công tác PCCC còn nhiều bất cập
Ảnh: HOÀNG QUỐC ANH
Công tác PCCC còn hạn chế
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), việc chuẩn bị Tờ trình và Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCCC, để sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy là khá chu đáo. Tuy nhiên, trong Tờ trình cũng như Báo cáo tổng kết 10 năm chủ yếu nêu những thành tích mà chưa đánh giá được những hạn chế của lực lượng PCCC, đặc biệt là nhận thức vai trò của người đứng đầu trong các sở, ban, ngành, các cơ quan và các xã, phường. "Do vậy, tôi đồng ý cao với việc phải có những điều chỉnh trong luật để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu...” – ông Phương nói.
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế trong công tác thiết kế PCCC thời gian qua, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, có những nơi các trang thiết bị PCCC không được kiểm tra giám sát nên dẫn đến tình trạng khi có hỏa hoạn xảy ra, các dụng cụ như bình bọt, vòi phun nước... không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. "Tôi cho rằng cần tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC, bởi hiện nay trên thực tế chất lượng các trang thiết bị chuyên dụng, đặc biệt dùng để chữa cháy còn rất hạn chế. Mặt khác, để phần nào khắc phục các hạn chế trong công tác PCCC như thời gian qua, cần tổng kết việc thí điểm thành lập 8 Sở Phòng cháy, chữa cháy. Từ đó rút kinh nghiệm nhằm tổ chức lực lượng này sao cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả..” – ông Tiến kiến nghị.
Luật hóa trách nhiệm của lực lượng PCCC
Cũng theo ĐB Phương, một nguyên nhân khá cơ bản của nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đó là lực lượng PCCC (cả lực lượng tại chỗ và lực lượng ứng cứu) còn yếu. Vậy nhưng trong các mục sửa đổi và yêu cầu sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy không thấy yêu cầu là phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC. Ông Phương thẳng thắn: "Tôi đề nghị phải làm rõ và nâng cao trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong lần sửa Luật Phòng cháy. chữa cháy này. Vị trí, vai trò của công tác PCCC cũng cần phải được đề cao hơn và trách nhiệm phải được rõ hơn...”.
Ông Phương còn băn khoăn về việc, trong khen thưởng và kỷ luật có nói đến các tổ chức, người đứng đầu vi phạm để cháy nổ thì tùy theo mức độ để xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. "Tuy nhiên, khi tìm các quy định chế tài trách nhiệm của lực lượng PCCC thì không thấy đâu cả là sao?...”
ĐB Phương còn đặt vấn đề vì sao trong Dự án Luật sửa đổi chưa thấy quy định việc bên cạnh công tác thi công PCCC còn công tác cứu hộ, cứu nạn như một số văn bản dưới luật đã đề cập đến. "Công tác cứu hộ, cứu nạn chưa được quy định trong luật thì để nâng cao được tính pháp lý, để làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cùng với công tác PCCC của lực lượng PCCC. Tôi đề nghị bổ sung theo hai cách: Một là nên sửa cả tiêu đề thành "Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn”, để nâng tính pháp lý trong vấn đề cứu hộ, cứu nạn. Nếu chưa được thì khi sửa đổi đề nghị phải đưa một cách cụ thể vấn đề trên vào trong Luật để tạo thêm cơ chế pháp luật trong PCCC, cứu hộ, cứu nạn thời gian tới...” – ông Phương đề nghị.
|