Những dự án xây dựng công trình siêu cao tầng khi xảy cháy rất khó cứu chữa do thang cứu nạn bị khống chế độ cao. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định, công trình siêu cao tầng phải trang bị vật liệu không cháy hoặc khó cháy...
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC được Quốc hội thảo luận tại tổ sáng nay. Đáng chú ý, dự luật bổ sung các quy định quan trọng, cốt lõi về điều kiện PCCC nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn thoát nạn, cứu người, tài sản, chữa cháy đối với nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản. Bổ sung thêm 2 loại hình công trình đặc thù cần phải có quy định chặt chẽ về điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn là công trình khung thép mái tôn và nhà máy điện hạt nhân.
Nhà cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, tụ khói
Theo đó, công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; phải đảm bảo các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy đảm bảo khả năng tự chữa cháy.
Đối với công trình siêu cao tầng phải sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất không cháy hoặc khó cháy. Công trình trên mặt nước có nguy hiểm về cháy, nổ phải có phương án, lực lượng, phương tiện tự chữa cháy và giải pháp chống cháy lan. Công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản khác phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy. Nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn phải có các giải pháp chống cháy lan và tăng giới hạn chịu lửa đối với các kết cấu chịu lực để chống sụp đổ công trình khi xảy ra cháy.
Tại các chợ và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra; phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động.
Quy định riêng về phòng, chữa cháy nhà máy điện hạt nhân
Phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân, công tác phòng cháy phải bảo đảm các điều kiện an toàn như có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện hoạt động của nhà máy. Có quy định về nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của nhà máy. Phải thành lập lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên trách được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; trong đó bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ thì phải bồi hoàn chi phí chữa cháy, nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật...
Vật liệu không cháy hay khó cháy?
Thảo luận tại tổ, các ý kiến thừa nhận việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là cần thiết. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, kinh tế ngày càng phát triển kéo theo nhiều công trình cao tầng, nhà ở được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống cháy nổ. Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ diễn ra ở các toà nhà cao tầng, khu chung cư. Để khắc phục tình trạng cháy nổ một cách hiệu quả, chúng ta cần phải thẩm định việc đảm bảo an toàn PCCC ở các toà nhà cao tầng, toà nhà chung cư. Song song với việc thẩm định là mở lớp tập huấn PCCC trong nhà trường, các sở, ban, ngành, cơ quan để người dân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ ở nơi sinh sống và nơi làm việc.
Những tòa nhà cao hàng chục tầng xuất hiện nhiều, nhưng hệ thống thang cứu nạn hiện chỉ vươn đến tầng 15-20. Vậy cháy ở tầng 30, 40 hoặc cao hơn thì sao? Nhiều đại biểu đề nghị phải quy định thiết kế vật liệu những công trình này là không thể cháy, bởi nếu “khó cháy” tức khả năng cháy vẫn xảy ra, sẽ rất khó cứu chữa...
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết: Ý thức phòng chống cháy nổ của người dân chưa được cao nên mới xảy ra cháy nổ nhiều như hiện nay. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC đối với người dân thì địa phương cần dành nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị dự phòng chống cháy nổ. Từng địa phương nên có Quỹ phòng cháy chữa cháy dùng trong công tác tập huấn lực lượng phòng chống cháy nổ, mua sắm phương tiện PCCC. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, các địa phương hàng năm nên trích kinh phí nhất định để dành cho công tác PCCC...