Google+
Kỹ thuật
Hotline :0909822766 Mr.Thọ
Kỹ thuật thi công
Hotline :0973090044 Mr. Bảo
Tư vấn kỹ thuật
Hotline :08-62711366
Kinh doanh
Hotline :08-66767.114
Online : 15
Tổng lượt : 3291058

Hỗ trợ lực lượng PCCC cơ sở như thế nào cho hiệu quả

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận sáng 28-5 ở tổ về Dự thảo Sửa đổi một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Vẫn còn ý kiến trái chiều về việc có hỗ trợ thường xuyên hay không, nhưng các đại biểu đều thống nhất, cần có hỗ trợ cho lực lượng này…


Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu ý kiến
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu ý kiến

Theo dự thảo luật, Ban soạn thảo bổ sung Khoản 2a vào sau Khoản 2, Điều 46 với nội dung: “Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng ở địa phương mình theo quy định của Chính phủ.”

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, về vấn đề này, có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, cơ bản tán thành với nội dung quy định tại Điểm 2a, Khoản 9, Điều 1 vì cho rằng, việc hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng là cần thiết, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia PCCC ở địa phương, cơ sở; loại ý kiến thứ hai lại băn khoăn cho rằng, quy định về hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội dân phòng trong công tác PCCC sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương, vì lực lượng này rất đông, nhất là những xã nghèo vùng sâu, vùng xa và dễ dẫn đến việc lạm dụng thu thêm các loại phí từ nhân dân.

Trong buổi thảo luận sáng 28-5, những ý kiến này tiếp tục được đề xuất. Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, việc hỗ trợ lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở là cần thiết để lực lượng này tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả vào PCCC. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ thường xuyên sẽ tăng gánh nặng ngân sách đồng thời khiến người dân địa phương phải chịu thêm một chi phí.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, nên quy định hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể. Tức là trong luật nên quy định cụ thể các lực lượng PCCC tham gia công tác PCCC trường hợp, vụ việc cụ thể như thế nào, được hỗ trợ bao nhiêu chứ không nên hỗ trợ thường xuyên vì chưa phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Hữu Tuất (đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An), việc hỗ trợ thường xuyên là cần thiết. Theo đại biểu Tuất, trong thực tế PCCC tại địa phương cho thấy, mỗi khi có cháy xảy ra, nhận được thông tin hoặc địa phương yêu cầu, lực lượng quân đội thường tổ chức lực lượng, phương tiện một cách nhanh nhất hành quân đến xử lý cháy. Tuy nhiên, trong khi đó, các lực lượng ngoài quân đội để huy động được gặp rất khó khăn hoặc có huy động được, nhưng chưa hiệu quả, đầy đủ. Do vậy, đại biểu Tuất đề nghị quy định cụ thể vào trong luật việc hỗ trợ lực lượng này để khi xảy ra cháy lực lượng được huy động nhanh, hiệu quả. Vì lực lượng này rất đông, là lực lượng quan trọng để thực hiện 4 tại chỗ trong PCCC. Ngoài ra, cần chi cho việc đầu tư phương tiện, trang bị cũng như đào tạo PCCC. Có như vậy mới bảo đảm xử lý tốt nhất khi có cháy xảy ra.

Bàn về đầu tư phương tiện, trang thiết bị PCCC, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn với một số quy định trong dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) chỉ ra, những quy định trách nhiệm về người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong PCCC là đúng, tuy nhiên còn chưa đủ. Vì khi quy định trách nhiệm cũng cần có những điều kiện để họ thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Đại biểu Hiền nêu ví dụ về rừng quốc gia Pù Mát có diện tích rất rộng, nhưng lực lượng lại rất ít, phương tiên PCCC thì thô sơ, khó có thể PCCC hiệu quả. Trong khi đó lại quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ở đây là chưa phù hợp.

Chia sẻ tiếp những băn khoăn trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) chỉ ra, việc quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ hộ gia đình trong PCCC là đúng, nhưng trong dự thảo luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng nên khó thực hiện. Cụ thể như việc quy định bồi thường khi để xảy ra cháy, thực tế đa phần những vụ cháy lớn dù người phải bồi thường có bán tất cả gia sản đi cũng không đủ bồi thường, với những trường hợp như vậy thì xử lý như thế nào? trong dự thảo vẫn chưa quy định rõ. Cùng với đó nhiều vấn đề như khi chữa cháy, làm hư hại những nhà xung quanh bồi thường như thế nào cũng chưa được tính đến… Trước những thực tế này, đại biểu Vinh đề nghị cần nghiên cứu kỹ thêm để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.