Online : | 7 | |
Tổng lượt : | 3291045 | |
Hà Nội nhiều nhà cao tầng chưa có lực lượng PCCC cơ sở |
||||
Nhiều người dân ở chung cư cao tầng không biết sử dụng bình cứu hỏa. Thời gian gần đây, tại các khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân các vụ cháy nổ chủ yếu do chập điện, rò rỉ khí gas... Trong điều kiện phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên ngành còn thiếu, nguy cơ cháy nổ vẫn rất cao thì ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân là rất quan trọng.
Xã hội ngày càng phát triển, các chủ đầu tư càng tích cực đầu tư xây dựng các các công trình chung cư, cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Dù các tòa nhà khi xây dựng đều bắt buộc phải có phương án phòng cháy chữa cháy, chứng nhận về hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng hiệu quả các hệ thống phòng cháy chữa cháy như thế nào thì chỉ khi xảy ra… cháy mới biết có tốt hay không. Mới đây, vụ cháy tại toà nhà CT5, khu đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm và tòa nhà CT1B, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong công tác phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng. Một số ý kiến của những người dân đang sống ở các tòa chung cư tại Hà Nội cho biết, việc phòng cháy chữa cháy ở khu chung cư có chỗ thì tốt, có chỗ thì chẳng ra gì. Nói chung, là do thiết kế xây dựng của tòa nhà. Còn chung cư rộng rãi là tốt. Nhưng nếu xảy ra hỏa hoạn thì khó lường. Còn một số ý kiến khác nhận xét: Chúng tôi đã sống ở chung cư tương đối nhiều năm, thấy rằng công tác bảo vệ phòng cháy chữa cháy gọi là tạm ổn thôi chứ chưa được sát sao đến từng nhà dân. Mặc dù, ở các hành lang đều có thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng sử dụng các thiết bị đó như thế nào. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, tính đến đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 716 công trình cao tầng. Qua kiểm tra 206 nhà chung cư cao tầng cho thấy nhiều tồn tại như: chưa có lực lượng phòng cháy chữa cháy, hoặc có thì còn thiếu về số lượng. Đường giao thông phục vụ chữa cháy xung quanh tòa nhà bị lấn chiếm để phương tiện ô tô, xe máy, bán hàng, quán…nên không may xảy ra cháy ảnh hưởng đến công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn. Mặt khác, ý thức của người dân đối với công tác an toàn phòng cháy chữa cháy chưa cao, phần lớn chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông Phạm Văn Thuận- cán bộ phòng dịch vụ đô thị-phụ trách về công tác phòng cháy chữa cháy của công ty TNHH nhà nước một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị cho biết: Phải phối hợp tuyên truyền tốt nhất cho nhân dân, dân ý thức được nâng cao về sự nguy hiểm công tác phòng cháy chữa cháy. Còn về phía đơn vị quản lý tại mỗi nhà chung cư, khi có cháy xảy ra thì lực lượng tại chỗ là lực lượng đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, công tác thường xuyên huấn luyện cho nhân viên quản lý chung cư, chính là những thành viên trong tổ đội phòng cháy chữa cháy. Khi có cháy xảy ra thì chính họ là người đầu tiên xử lý. Nếu họ xử lý được đám cháy nhỏ sẽ không phát triển thành đám cháy lớn. Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh- Phó Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho rằng, do lực lượng bảo vệ và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở thường là bảo vệ của tòa nhà, mỗi ca trực chỉ từ 1-3 người ứng trực nên khi xảy ra cháy thường lúng túng. Nhiều người lại không được huấn luyện, nên không biết cách vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà. Vì vậy, để đảm bảo tốt công tác phòng cháy chữa cháy, trong thời gian tới Sở sẽ khuyến khích nên thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và duy trì hoạt động phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng hộ gia đình, từng cá nhân trong công tác phòng cháy chữa cháy, để thu hút các hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy tại tòa nhà nơi sinh sống. Chúng tôi sẽ kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý các tòa nhà này tự tổ chức tập phương án phòng cháy chữa cháy, tự tổ chức thực tập các phương án thoát nạn để cho người dân sinh sống tại các tòa nhà này chủ động ứng phó với sự cố cháy nổ xảy ra. Có một khó khăn nữa là phương tiện xe chữa cháy chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 52m, tương đương với tầng 14. Trong khi đó hiện nay ở Hà Nội rất nhiều nhà cao trên 20 tầng. Thêm nữa, ở nước ta cũng chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng, khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là người dân cần bình tĩnh, thao tác kịp thời để có biện pháp xử lý tình huống đồng thời gọi các cơ quan chức năng ứng cứu./.
|