Online : | 7 | |
Tổng lượt : | 3290979 | |
Báo động tình trạng cháy nổ ở các doanh nghiệp |
||||
Liên tiếp trong tháng 5, hàng loạt vụ cháy lớn thiêu trụi hàng nghìn mét vuông nhà xưởng, tài sản, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận. Hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng trong tích tắc biến thành tro bụi là lời cảnh báo nghiêm trọng cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC của các công ty, Khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX).
Trước đó hai ngày, ngày 16-5, 250 chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cùng với 32 xe cứu hỏa cũng chỉ có thể ngăn không cho cháy lan sang 4 tầng còn lại khu nhà xưởng A6 của Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh). Còn lại toàn khu vực tầng 2 với hơn 900m2 nhà xưởng chứa đầy máy móc thiết bị vật tư đã bị thiêu trụi. Doanh nghiệp chỉ thở phào sau khi điểm danh, trong hàng nghìn công nhân đang làm việc ở đây không ai... vắng. Đáng báo động, hiện tượng cháy lớn trong các doanh nghiệp trong tháng 4-2013 cũng liên tiếp xảy ra. Điển hình là ngày 28-4, hỏa hoạn đã thiêu trụi xưởng gỗ thuộc Công ty EC AnNa (quận 9) làm thiệt hại hàng tỷ đồng; hay vụ hỏa hoạn tại Tổng kho Sacombank tối 12-4 tại KCN Sóng Thần (nơi vừa xảy ra cháy trong tháng 5) làm thiệt hại hơn 80 tỷ đồng; vụ cháy tại kho chứa thiết bị gia dụng Công ty cổ phần Bao bì kho bãi Bình Tây (quận 6) ngày 15-4 cũng làm doanh nghiệp tiêu tan bạc tỷ… Đừng đợi đến khi tan sản nghiệp Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, sở dĩ các vụ cháy trong các doanh nghiệp, KCN-KCX gây thiệt hại lớn là bởi trở ngại trong khâu cứu hỏa. Đa phần ở các doanh nghiệp sản xuất, do dây chuyền công nghệ quy mô lớn nên phải sử dụng mặt bằng nhà xưởng rộng với kết cấu chủ yếu bằng khung sắt, mái tôn. Vì vậy, khi xảy ra cháy chỉ cần 15 đến 20 phút sau, dưới tác động của nhiệt, toàn bộ công trình sẽ biến dạng và đổ sụp đè lên vật tư, thiết bị, hàng hóa khiến việc chữa cháy càng kéo dài và kém hiệu quả. Tuy nhiên, có không ít các nguyên nhân lại do chính ý thức chủ quan gây ra. Một số cơ sở sản xuất sau khi đưa vào hoạt động một thời gian đã cải tạo, cơi nới lấn chiếm khoảng cách an toàn giữa các nhà xưởng, giữa nhà xưởng với tường rào để làm kho, làm nơi bốc xếp hàng hóa, nguyên vật liệu, làm nhà ăn, nhà để xe công nhân… khiến cho đám cháy càng dễ lan rộng. Mặt khác nhiều doanh nghiệp tuy có thiết kế PCCC nhưng không đạt chuẩn... Đa phần các vụ phát hiện cháy là do công nhân, bảo vệ hoặc người dân báo cho cơ quan chức năng bởi hệ thống báo cháy tự động tại các nhà xưởng chưa bảo đảm. Nhiều công ty còn bố trí văn phòng, nhà ăn, nhà kho ở cạnh nhau mà không có tường ngăn. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ, nên không thể giải quyết kịp thời khi sự cố xảy ra… Thế nên khi cháy, không chỉ gây muôn vàn khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mà thiệt hại cũng rất lớn. Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết, cái khó trong công tác thi công PCCC của Sở không phải là vấn đề nhân lực, nghiệp vụ hay phương tiện kỹ thuật, mà là các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế. Đơn cử, công tác PCCC thường đi liền với công tác cứu hộ, cứu nạn nhưng các văn bản quy phạm pháp luật lại không đề cập đến chức năng cứu nạn, cứu hộ của Sở. Nhằm bảo đảm công tác PCCC, đặc biệt trong mùa nắng nóng, Sở Cảnh sát PCCC TP đang phối hợp với UBND các quận, huyện phân loại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa; xây dựng các phương án xử lý các tình huống cháy, nổ lớn; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát PCCC và người dân… Đặc biệt, Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan vận hành 150 camera quan sát để phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
|