Online : | 17 | |
Tổng lượt : | 3290995 | |
Cần thành lập lực lượng PCCC cơ sở tại các chung cư |
||||
Theo Sở Cảnh sát phòng cháy & chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, tính đến đầu năm 2013, toàn địa bàn TP Hà Nội có 716 cơ sở nhà và công trình cao tầng trong đó có 529 cơ sở nhà và công trình cao tầng đã đi vào hoạt động, 187 cơ sở nhà và công trình cao tầng đang thi công. Kết quả kiểm tra an toàn PCCC tại các công trình này cho thấy, Ban quản lý (BQL) nhiều khu chung cư có nhiều vi phạm về PCCC, bất chấp các kiến nghị, yêu cầu khắc phục của lực lượng chức năng. Chỉ có 353/507 khu nhà và công trình cao tầng đã kiểm tra được nghiệm thu về PCCC; 288/507 nhà, công trình cao tầng được cấp chứng nhận đủ điều kiện về PCCC. Mặc dù không đảm bảo các quy định về PCCC, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình đưa nhiều công trình nhà cao tầng vào hoạt động. Trong số 22 hạng mục mà lực lượng kiểm tra an toàn phòng cháy của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội tập trung kiểm tra, lỗi nhiều cơ sở mắc nhất, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không may hỏa hoạn xảy ra, là chưa thành lập lực lượng PCCC cơ sở theo quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện mới có 398/507 cơ sở có đội PCCC đảm bảo số lượng. Các chủ đầu tư các công trình liên tục đầu tư, xây các tòa chung cư, cao ốc nhiều tầng, nhưng khả năng của lực lượng PCCC và công suất của các loại xe chuyên dụng chỉ cho phép dập các đám cháy ở độ cao dưới 10 tầng. Vào rạng sáng 3/2/2012, tại phòng kỹ thuật điện tại tầng 2 của tòa nhà chung cư M3 - M4 ở 91 Nguyễn Chí Thanh có những tiếng nổ lớn, điện chập với những tia sáng xanh chiếu ra ngoài. Sau đó là lửa cháy và khói đen đùn ra cửa chính… Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Cảnh sát PCCC đã kịp thời có mặt triển khai các biện pháp chữa cháy. Lực lượng cứu hỏa đã phải điều cả xe thang, sử dụng mặt nạ phòng độc để chữa cháy và cứu nạn đối với hàng trăm người dân trong tòa nhà. Sau gần 3 giờ đồng hồ chữa cháy, cứu nạn, toàn bộ người dân đã được bảo vệ an toàn.
Vụ việc xảy ra khiến toàn bộ hệ thống điện của tòa nhà bị cháy nhưng hệ thống điện của tầng hầm đi sát khu để xe của cư dân, nếu phát nổ thì hậu quả thật khôn lường. Nhiều người dân tại tòa nhà M3 - M4 cho biết, không nghe được bất kỳ một tiếng chuông báo cháy nào và cũng không nhận được bất cứ một thông báo nào của Ban quản lý tòa nhà trong khi xảy ra hỏa hoạn. Người dân chỉ biết tự cứu mình và chờ lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp. Hiện nay, tại các khu chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội thì Đội chữa cháy cơ sở thường là bảo vệ tòa nhà, mỗi ca bố trí 1 - 3 người ứng trực. Lực lượng này có nhiều người không được qua huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, không biết cách vận hành hệ thống PCCC của tòa nhà. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ đều bị các chủ đầu tư coi thường, xem nhẹ, thậm chí nhiều chung cư hệ thống PCCC tại chỗ lắp đặt từ lúc xây dựng sau đó không được bảo dưỡng, nhiều hệ thống bị hỏng, không hoạt động được, chỉ mang tính hình thức. Nhiều tòa nhà cao tầng hiện nay không có hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm liên tục bị khóa khiến người dân thoát hiểm khi xảy ra sự cố gặp khó khăn. Để có thể đảm bảo tốt công tác PCCC tại các khu chung cư, cơ sở nhà công trình cao tầng trong thời gian tới, thiết nghĩ các lực lượng chức năng cần tăng cường việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành qui định của pháp luật về PCCC; tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lối thoát nạn, để xe máy, ôtô lấn chiếm đường giao thông, cản trở hoạt động của xe chữa cháy... Các công trình xây dựng mới phải được cơ quan chức năng thẩm duyệt về PCCC trước khi thi công; nếu thi công không đúng thiết kế sẽ không được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Việc trang bị phương tiện PCCC tại chỗ của các đơn vị phải đảm bảo số lượng, chất lượng, không đầu tư mang tính hình thức, phô trương, đối phó, kém hiệu quả, gây lãng phí. Đồng thời mỗi người dân cũng phải tự trang bị cho mình các kiến thức về PCCC để xử lý khi có tình huống hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra…
|