Năm nay, trời mưa muộn, nắng nóng gay gắt làm nguồn nước các kênh giữ nước dưới chân rừng tràm Cà Mau bị bốc hơi nhanh, dần khô cạn.
Nhiều diện tích rừng tràm không còn giữ được độ ẩm nên cây tràm có hiện tượng khô héo, nguy cơ cháy rất cao.
Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng tràm trên 41.000ha, trong đó U Minh là huyện có diện tích rừng tràm lớn nhất của tỉnh với khoảng 30.000ha.
Đến thời điểm này, có đến 20.000ha rừng tràm rơi vào cấp báo động nguy hiểm. Riêng ở huyện U Minh hiện có 15.000ha rừng tràm bị khô hạn, có nguy cơ cháy rất cao.
Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại 2,64ha. Nguyên nhân các vụ cháy do người dân lén lút vào rừng ăn ong và đốt đồng gây nên.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết đến nay, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng, chủ động về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2013.
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh tổ chức hai đợt tập huấn và diễn tập cấp cơ sở về phòng chống cháy rừng mùa khô, có hơn 250 lực lượng tham gia.
Qua cuộc diễn tập này, các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý rừng, hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm lưu động và các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng nắm bắt cơ bản kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra các vụ cháy rừng; huy động có hiệu quả các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, nhằm khống chế dập tắt nhanh các vụ cháy rừng vào mùa khô.
Tỉnh Cà Mau đã thực hiện biện pháp "đóng cửa rừng tràm," gắn hơn 300 biển báo nghiêm cấm vào rừng.
Hạt Kiểm lâm các huyện U Minh, Trần Văn Thời kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục và vận động gần 5.000 hộ dân cư ngụ trong lâm phần rừng tràm ký cam không được đốt đồng, không vào rừng khai thác mật ong, săn bắt động vật hoang dã./.