Google+
Kỹ thuật
Hotline :0909822766 Mr.Thọ
Kỹ thuật thi công
Hotline :0973090044 Mr. Bảo
Tư vấn kỹ thuật
Hotline :08-62711366
Kinh doanh
Hotline :08-66767.114
Online : 19
Tổng lượt : 3290453

Thủy điện Sơn La - Công trình của niềm kiêu hãnh và tự hào

Tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của dự án Thủy điện Sơn La đã hòa lên lưới điện quốc gia vào tháng 8/2012 đã đánh dấu kỳ tích phi thường của những người thợ xây dựng thủy điện Việt Nam. Dự án thủy điện Sơn La đã về đích sớm hơn 3 năm. Những “chàng Sơn Tinh” đã chinh phục dòng Đà giang hung dữ năm nào, làm nên một kỳ tích mới ghi vào lịch sử.

Công trình mang tầm vóc khu vực

Dự án Thủy điện Sơn La được xây dựng tại địa phận thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW). Hồ chứa nước chạy dài trên 200 cây số thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu với diện tích hồ chứa 224km2, dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỉ mét khối nước. Nhiệm vụ chính của Tập đoàn Sông Đà là tổng thầu và các nhà thầu thành viên: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng). Họ làm nên một sự kiện chưa từng có: Lễ khởi công đồng thời là lễ ngăn sông ngày 2/12/2005, ngăn sông sớm hơn một năm so với yêu cầu của quyết định đầu tư.

Thời kỳ cao điểm trên công trường có hơn 15.000 cán bộ, công nhân làm việc suốt 3 ca với lực lượng xe máy, thiết bị được đầu tư mới đồng bộ, hiện đại, công nghệ thi công tiên tiến nhất thế giới như công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, Giám đốc ban điều hành Thủy điện Sơn La cho biết: Có nhiều phương án xây, đắp đập dâng như bê tông cứng truyền thống, nếu chọn phương án này sẽ phải kéo dài cả chục năm. Cuối cùng phương án đổ bê tông đầm lăn được phê duyệt.

 

Đêm trên công trình thủy điện Sơn La. Ảnh: Hoàng Lai.

Trong nhiều sự tích tại công trường này còn có nhiều câu chuyện phi thường sẽ được ghi chép trong lịch sử ngành Xây dựng. Gặp lại Đại tá Đào Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, ông Tuấn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện chống lũ lịch sử năm 2004. Cơn lũ tràn về vào lúc 23h, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng ra ứng cứu, nhiều phương án được vạch ra để cứu con đê quây, đêm khuya mưa bão, lũ cuồn cuộn chảy, bên trong là cả ngàn người và cả trăm loại thiết bị đang thi công. Bản lĩnh người lính Trường Sơn năm nào đã dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để cứu đê và cuối cùng họ đã chiến thắng thiên nhiên bảo vệ an toàn cho công trường. Câu chuyện kể về ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc xí nghiệp, chủ đầu tư đã rất linh hoạt khi tổ chức thực hiện một đề xuất đáng giá có một không hai do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung có một sáng kiến táo bạo rất Việt Nam, đó là chế tạo sử dụng “cầu trục chân què” để tiến hành “thử khô” cửa van sự cố cửa xả sâu của công trình xả lũ vận hành và cửa van sửa chữa, lưới chắn rác của cửa nhận nước Nhà máy khi các công trình này còn đang xây dựng dở dang ở cao độ thấp. Nhờ có giải pháp này, việc tích nước hồ chứa để chạy các tổ máy được tiến hành đúng tiến độ.

Điều đáng tự hào của công trình Thủy điện Sơn La không chỉ có tính hiện đại và quy mô là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là công trình lớn đầu tiên mà tất cả các khâu quan trọng từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công đến thực hiện xây dựng đập, lắp đặt thiết bị, chế tạo thiết bị thủy công, cần cẩu trục nâng đều do kỹ sư và công nhân thuộc các doanh nghiệp trong nước thực hiện, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, điều hành, thiết kế, chế tạo và xây lắp nhất là đối với các công trình thủy điện lớn.

 

Cán bộ chiến sĩ Công an đón Tết trên công trường. Ảnh: A.H.

Những người giữ bình yên cho công trình

Nói về thành tựu trên công trình này, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La nói chung và những cán bộ Công an trực tiếp bảo vệ tại công trình. Vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ, khi mọi người bắt đầu nghỉ ngơi, đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết thì trên công trường Thuỷ điện Sơn La, những cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ vẫn ngày đêm âm thầm với công việc của mình để công trình thủy điện lớn nhất cả nước luôn được đảm bảo an toàn.

Để làm tốt nhiệm vụ của mình, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện và Đồn Công an bảo vệ công trình Thủy điện Sơn La đã thực sự vào cuộc với hàng loạt phương án bảo vệ với phương châm đảm bảo chặt chẽ, khoa học, nắm chắc tình hình, kiên quyết không để xảy ra phức tạp về an ninh - trật tự.

Do tính chất phức tạp của địa bàn và vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng hình sự thường lợi dụng khu vực công trường vừa mới khánh thành, mọi thứ bộn bề chưa được dọn dẹp, tổ máy cuối cùng đang trong giai đoạn bàn giao... để gây án như trộm cắp tài sản, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng…

 Để tăng cường cho công tác bảo vệ dịp cuối năm này, CBCS của Đồn Công an bảo vệ thủy điện và các đơn vị chức năng Công an tỉnh được huy động tối đa lực lượng, thậm chí có đồng chí còn không được về ăn Tết với gia đình, nhưng xác định được đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào khi được bảo vệ một công trình mang tầm vóc thế kỷ nên ai cũng vui vẻ chấp hành mệnh lệnh trực Tết. Trung tá Lê Đức Mạnh, người được coi là có “thâm niên” làm công tác bảo vệ thủy điện trong những dịp Tết, chia sẻ: Có mặt từ những ngày đầu khởi công, anh được chứng kiến từng giai đoạn, từng hạng mục của công trình được tiến hành xây dựng như thế nào cho đến hôm nay công trình đã hoàn thành, 6 tổ máy đã đi vào hoạt động... anh có rất nhiều cảm xúc vì đã gắn bó với công trình trong gần một thập kỷ nên mặc dù không được về ăn Tết với gia đình anh vẫn cảm thấy vui khi được đóng góp sức mình cho công trình vĩ đại này. Còn Trung úy Đỗ Văn Tuấn, một cán bộ trẻ cũng vui vẻ “nhận” trực Tết để anh em khác được về, anh tâm sự: Không về ăn Tết, gia đình sẽ rất mong nhưng công việc bảo vệ công trình quan trọng này, nhất là dịp Tết có ý nghĩa vô cùng lớn đối với Tuấn vì anh cảm thấy mình đã góp một phần công sức cho sự an toàn của nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trình trọng điểm của đất nước, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm hết sức nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực cao của lực lượng Công an Sơn La. Kết quả nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên công trường Thủy điện Sơn La đã tạo ra tiền đề quan trọng về tinh thần và trách nhiệm của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo vệ công trình thủy điện cũng như ý thức tham gia bảo vệ trong mỗi cán bộ, công nhân viên tại công trình. Điều đó đã và đang góp phần tạo ra mối liên hệ gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các đơn vị thi công, quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La. Họ cùng nhau mang lại những mùa xuân ấm áp và bình yên cho công trình tầm vóc khu vực