Online : | 9 | |
Tổng lượt : | 3290409 | |
Tầm vóc mới của Thủy điện Việt Nam |
||
Ngày 23-12-2012 đánh dấu mốc quan trọng đối với Nhà máy thủy điện Sơn La, ngày khánh thành nhà máy, kết thúc sớm ba năm so với dự kiến. Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á, tính đến nay và cũng là công trình thủy điện lớn nhất do những người làm thủy điện Việt Nam tự thiết kế hệ thống điện, quản lý và tổ chức thi công.
Suốt bảy năm qua, từ ngày công trình chính thức được khởi công, mỗi lần có dịp đến với Thủy điện Sơn La, tôi đều có được những cảm xúc, những thu hoạch mới, bổ ích. Yếu tố bảo đảm thi công đúng tiến độ ở một dự án lớn như thế này là sự phối hợp ăn khớp ở tất cả các mặt, các khâu công việc, có cả một núi việc phải làm. Ở dự án này, ngoài phần việc chính là thiết kế, quản lý và tổ chức thi công công trình chính do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đảm trách, còn có những dự án thành phần như: Dự án di dân tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng do UBND các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu phụ trách; Dự án xây dựng đường giao thông tránh ngập khi hồ thủy điện được tích nước do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Vì thế, có những thời điểm, cùng một lúc, có hàng trăm công trường cùng diễn ra ở khắp vùng Tây Bắc chứ không chỉ ở công trình chính tại Mường La. Sự phối hợp ăn khớp chỉ có được khi có sự chỉ huy tập trung, hiệu quả, điều đó cho thấy, việc quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban ở công trình này là một quyết định cần thiết. Từ sau dự án này chúng ta sẽ tự tin hơn vào chính bản thân mình, nhất là đối với những công việc đụng chạm tới kỹ thuật. Ðơn cử là từ việc lựa chọn vị trí tuyến đập, chọn số tổ máy đến thay đổi thiết kế đập thủy điện Sơn La, tất cả các ý kiến của các kỹ sư chúng ta đưa ra đều gặp những phản đối kịch liệt lúc đầu. Tuy nhiên, chính giải pháp thay đổi vị trí tuyến đập đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng do không phải di dời khoảng 10 nghìn cư dân huyện Mường La và toàn bộ thị trấn Mường La đã thoát khỏi phải ngập chìm dưới lòng hồ thủy điện. Việc chọn sáu tổ máy công suất 400 MW/tổ, thay vì tám đến 10 tổ máy công suất nhỏ hơn cũng đã góp phần giúp nhà máy đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất. Sự thay đổi thiết kế đập Thủy điện Sơn La bằng bê-tông đầm lăn; quyết định đặt hàng Công ty Cơ khí Quang Trung chế tạo hệ thống cẩu siêu trọng tải 1.200 tấn..., tất cả những giải pháp đó đã góp phần giúp công trình hoàn thành trước ba năm so với nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn. Tôi có dịp được gặp lại không ít những cán bộ của các Tổng công ty: Sông Ðà, Lilama, Licogi, Trường Sơn,... những người đã từng thi công các công trình thủy điện lớn: Hòa Bình, Trị An, Yaly... Ðiểm khác biệt là, ở công trình này, họ tự chủ trong mọi công việc chứ không phải thụ động, theo sự chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài như ở các công trình khác. Thế nhưng, tất cả mọi công việc, từ thi công đập bằng bê-tông đầm lăn (RCC) với khối lượng hàng triệu m3, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, đến việc vận chuyển những thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng hàng trăm tấn trong điều kiện cầu đường miền núi, rồi việc lắp đặt những rô-to máy phát nặng hàng nghìn tấn..., tất cả đều được xử lý gọn gàng, an toàn và độ chính xác cao. Việc hoàn thành xây dựng một nhà máy lớn nhất khu vực Ðông - Nam Á với đập thủy điện được xếp là một trong 10 đập thủy điện lớn nhất thế giới là thành quả rất đáng ghi nhận và tự hào đối với những người thợ xây dựng Việt Nam. Ðến nhiều khu, điểm tái định cư của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Sơn La mới càng thấm thía sự hy sinh của đồng bào. Hơn 20 nghìn hộ dân ở ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu đã tự nguyện chuyển nhà đến nơi ở mới, nhường đất để xây dựng công trình. Trên địa bàn miền núi xa xôi, cách trở, đất đai canh tác hạn hẹp, chứng kiến cuộc sống của bà con những ngày đầu mới di chuyển đến nơi tái định cư mới thấy những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hy sinh to lớn của người dân. Tôi cũng có dịp làm quen với những kỹ sư còn rất trẻ, đang đảm đương vận hành nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á này. Nếu ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình, công suất 1.920 MW cần tới gần 800 cán bộ, kỹ sư vận hành, thì Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW đang được gần 400 cán bộ, kỹ sư trẻ đảm nhiệm. Công nghệ, thiết bị tiên tiến là chìa khóa để tinh giản sức người, nhưng để làm chủ được máy móc, thiết bị hiện đại lại đòi hỏi kiến thức và trình độ cao của người vận hành nó. Thủy điện Sơn La về đích trước ba năm, với sản lượng 10 tỷ kW giờ/năm, theo giá bình quân hiện nay là 1.437 đồng/kW giờ, nhà máy có doanh thu khoảng hơn 14 nghìn tỷ đồng, ba năm vượt trước thời gian tính ra có hơn 40 nghìn tỷ đồng. Ðây là cơ sở để Chính phủ quyết định tăng gấp hai lần kinh phí cho việc tái định cư, giúp đồng bào có thể có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Việc mà chúng ta đã đề ra ở khá nhiều công trình, dự án nhưng chưa thực hiện được. Ðây cũng là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thủy điện Sơn La hoàn thành còn giúp Thủy điện Hòa Bình tăng sản lượng từ tám tỷ kW giờ theo thiết kế ban đầu lên 11 tỷ kW giờ và điều quan trọng hơn cả là, cùng với Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang giải quyết việc chống hạn cho hạ du và chống lũ cho Thủ đô Hà Nội tới 500 năm nữa. Từ thành công trong việc tự thiết kế, quản lý, thi công ở Thủy điện Sơn La, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu. Và những cán bộ quản lý dự án, những người thợ góp phần xây dựng Thủy điện Sơn La lại tiếp tục được tin tưởng giao quản lý và xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu, bậc thang đầu tiên, cũng là bậc thang thủy điện lớn cuối cùng được thi công trên sông Ðà. Những ngày Xuân này, mang theo niềm vui, niềm tự hào từ thủy điện Sơn La, họ lại đang dồn hết tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sức mạnh trí tuệ Việt Nam, hăng hái xây dựng công trình mới.
|