Online : | 17 | |
Tổng lượt : | 3290355 | |
Cơ hội bứt phá cho Vân Phong |
||||||
Vừa qua, Bộ Chính trị đã cho phép tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Đặc khu Hành chính - Kinh tế (ĐKHC-KT) tại huyện Vạn Ninh. Đây sẽ là cơ hội để Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong bứt phá trong giai đoạn tới. Phát triển chậm vì thiếu vốn KKT Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập tháng 4-2006 với diện tích 150.000ha, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Đây là là 1 trong 15 KKT ven biển của Việt Nam và là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Chính phủ xác định, việc thành lập KKT Vân Phong nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước; thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước.
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, năm 2012, Ban đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án vào KKT với tổng vốn đăng ký tương đương 27,45 triệu USD; 8 dự án tại các khu công nghiệp với tổng vốn 127,65 triệu USD. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 126 dự án (gồm 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 97 dự án vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký 13,8 tỷ USD. Đã có 46 dự án đi vào hoạt động, 64 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai, 16 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Một số dự án đã phát huy tác dụng tích cực như: Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết: UBND tỉnh đã xác định rõ KKT Vân Phong là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cần phát huy tối đa nguồn vốn Trung ương, nội lực của tỉnh và các nhà đầu tư để nhanh chóng phát triển. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ra nhiều nghị quyết về huy động vốn đầu tư cho 3 vùng kinh tế trọng điểm nói chung và tập trung đẩy mạnh phát triển KKT Vân Phong nói riêng. Bên cạnh việc ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể về huy động vốn, đơn giản hóa trình tự thủ tục đầu tư, tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng cho KKT như: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước, giải tỏa đền bù và tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án... với tổng vốn hơn 800 tỷ đồng. Tuy vậy, so với vai trò là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung, việc triển khai đầu tư các dự án tại KKT Vân Phong vẫn còn khá chậm, vốn đăng ký của dự án nhiều nhưng thực hiện đạt thấp. Tổng số vốn ước thực hiện đến thời điểm hiện nay mới đạt khoảng 518 triệu USD. Trong đó, ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, việc chậm triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho KKT (tổng vốn đầu tư chỉ đạt 800/2.895 tỷ đồng) đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu hút đầu tư. Động lực mới Theo đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguồn vốn đầu tư vào KKT Vân Phong quá lớn, trong khi KKT lại không được Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015. Vì vậy, việc đầu tư, phát triển KKT Vân Phong gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động; các dự án lớn có tính động lực chậm triển khai như: Trung tâm Điện lực Vân Phong 1, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có chủ trương dừng thực hiện dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong... cũng ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển KKT Vân Phong. Mặt khác, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế kéo dài nên tình hình thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Bộ Chính trị đã cho phép tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập ĐKHC-KT tại huyện Vạn Ninh (Bắc Vân Phong). Đây sẽ là cơ hội để KKT Vân Phong bứt phá trong giai đoạn tới. Trước mắt, diện tích nghiên cứu xây dựng Đề án ĐKHC-KT khoảng 16.000ha. Trong đó, diện tích mặt nước 20.000ha, bao gồm: bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, một số đảo nhỏ lân cận và khu vực thị trấn Tu Bông. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo KKT Vân Phong vừa qua, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: Khi xây dựng Đề án thành lập ĐKHC-KT tại huyện Vạn Ninh, ở giai đoạn đầu rất khó hình thành khung pháp lý, công tác xúc tiến đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng do KKT Vân Phong không còn nằm trong 5 nhóm KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015. Tuy nhiên, tỉnh vẫn phải mạnh dạn xúc tiến đầu tư các dự án quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, khi chưa hình thành đặc khu, các cơ chế, chính sách dành cho nhà đầu tư vẫn áp dụng như hiện nay. Các dự án đang triển khai, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện, song phải siết lại để đảm bảo tiến độ. Trong thời gian này, tạm giãn tiến độ đầu tư ngân sách đối với các dự án chưa cấp thiết. Đối với khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa), phải xác định đây là khu công nghiệp nặng, cần tìm nhà đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu, đóng tàu, nhiệt điện... Các khu công nghiệp lân cận sẽ phụ trợ cho khu vực này. Các dự án về đường, điện, nước trong khu vực phải tập trung giải quyết, không dàn trải. Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa cần tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các phân khu chức năng tại KKT Vân Phong theo quy hoạch được duyệt để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Hy vọng, Đề án thành lập ĐKHC-KT tại Vạn Ninh sẽ là cơ hội mới cho KKT Vân Phong. công ty thi công công trình điện, thầu cơ điện
|