Online : | 14 | |
Tổng lượt : | 3290098 | |
Điện lực 2012 - năm của thủy điện |
||||||
Ngành điện đã trải qua một năm đầy sóng gió nhưng kết thúc lại bằng điểm sáng đáng tự hào - Thủy điện Sơn La. Năm 2012 qua đi với ngành điện đã để lại nhiều dư vị, cả những ngọt ngào đan xen những giọt đắng. Nhìn lại một năm 2012 của ngành điện, nhiều người chắc hẳn sẽ không quá lời khi cho rằng, 2012 là năm của thủy điện. Từ những dấu ấn thành công… Nếu xét ở 3 mục tiêu cơ bản của ngành điện trong năm 2012 gồm: Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm và tái cơ cấu thị trường điện thì năm 2012, ngành điện đã đạt được cơ bản các mục tiêu đã đề ra.
Dẫn chứng cụ thể cho thấy, ngành điện đã không phải cắt điện ngay cả khi cao điểm của mùa khô; nhiều dự án điện được khởi công và hoàn thành – bao gồm cả các công trình nguồn và lưới điện; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 cũng đã được ban hành. Cùng với đó là việc thành lập 3 tổng công ty phát điện - là cơ sở để giảm độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động điện lực.
Một sự kiện đánh dấu bước chuyển của ngành điện, đó là cũng trong năm 2012 này, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (từ ngày 22/10 - 22/11). Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (văn bản số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012) nhằm “nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…”. Rất nhiều những sự kiện ghi dấu ấn và tạo ra những bước ngoặt cho lịch sử ngành điện Việt Nam sau 58 năm hình thành và phát triển, song có lẽ, năm 2012 là một năm của thủy điện - một lĩnh vực chiếm tới 40% tổng công suất nguồn phát hiện có của hệ thống điện Việt Nam. Trước hết có thể thấy, năm 2012 nhờ vào việc huy động tối đa nguồn phát từ thủy điện (có giá thành rẻ hơn nhiều so với nhiệt điện than, dầu, khí) mà EVN đã có lãi lớn - thay vì liên tục báo lỗ như những năm trước. Cùng với đó, sự kiện khánh thành công trình thủy điện Sơn La - một công trình cấp đặc biệt của quốc gia đã về đích trước tiến độ 3 năm. Với sản lượng điện trung bình 10,246 tỉ kWh/năm, công trình thủy điện Sơn La sẽ đem lại rất nhiều giá trị to lớn cho ngành điện trong tương lai: Bảo đảm cung cấp điện an toàn cho hệ thống; giá thành sản xuất của thủy điện rẻ hơn nhiều so với các nguồn điện khác, góp phần làm giảm giá thành sản xuất điện. Nhưng quan trọng hơn, nhà máy thủy điện Sơn La công suất lớn nhưng lại có tính cơ động cao, nhà máy có thể đưa công suất phát điện lên rất nhanh nhưng cũng có thể tiết giảm ngay công suất khi cần thiết - điều này giúp cho công tác điều độ hệ thống điện sẽ tốt hơn. Đã có không ít lời ca ngợi về Thủy điện Sơn La - một công trình kết tinh sức mạnh trí tuệ và nội lực Việt Nam mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế (lớn nhất khu vực Đông Nam Á tính cho đến thời điểm này). Công trình được hoàn thành chủ yếu bằng chính công sức và trí tuệ của người dân Việt Nam, khi có tới 100% thiết bị cơ khí thủy công, cần trục, cẩu trục do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Công nghệ bê tông đầm lăn lần đầu tiên được thực nghiệm tại công trình thủy điện ở nước ta - nhưng lại do toàn bộ người Việt Nam làm chủ từ khâu chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành, với sự trợ giúp của rất ít chuyên gia nước ngoài… …đến những sự cố bất ngờ! Sự thành công của Thủy điện Sơn La được ví như “liều thuốc giảm đau” cho thủy điện Việt Nam - một cơn đau kéo dài suốt cả năm 2012 - khi bắt đầu bằng việc phát hiện ra những khe nứt của đập thủy điện Sông Tranh 2 (công suất 190MW) hồi tháng 3/2012. Những cơn rung chấn - động đất kích thích kéo dài liên tục diễn ra tại địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn chưa có hồi kết, đe dọa tính mạng của hàng chục nghìn người dân sống dưới hạ lưu khiến công trình này hiện vẫn đang phải tạm dừng tích nước. Tương lai của một công trình được đầu tư tới hơn 5.000 tỷ đồng (vốn ban đầu) chưa biết đi về đâu? Trong khi những hoài nghi của việc khảo sát, thiết kế đến thi công của Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn đang được bàn thảo, nghiên cứu, thì 7 giờ sáng ngày 7/10 Thủy điện Dăkrông 3 (công suất 8MW, huyện Dăkrông, tỉnh Quảng Trị) bị vỡ đập chắn. Chưa dừng lại, ngày 22/11, lại tiếp tục xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 thuộc huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Quả là giọt nước tràn ly!
Sự việc trở nên ồn ào hơn khi người ta nhìn thấy những hình ảnh sửa chữa kiểu chắp vá, phản khoa học của Thủy điện Sông Tranh 2, rồi những thông tin về bê tông trộn đất và gỗ mục ở đập thủy điện Dăkrông3, hay “xe ben đụng vỡ đập thủy điện Đăk Mei 3.
Thêm nữa, việc thiếu “cửa xả đáy” của Thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều công trình thủy điện khác, khiến ngay ở mực nước chết cũng làm quan ngại nhiều người. Những điều này không thể không gây bàng hoàng, nghi ngờ từ khâu thiết kế đến thi công các công trình thủy điện. Có thể thấy, ngành điện nói chung, thủy điện nói riêng trong năm 2012 đã trải qua một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên, sự khó khăn có phần lắng dịu khi cuối năm 2012, ngành điện tạo được điểm nhấn bằng điểm sáng Thủy điện Sơn La. Cùng với đó là cam kết tài trợ vốn của Ngân hàng thế giới (WB) cho công trình thủy điện đầu tiên của nước ta - thủy điện Trung Sơn (260MW) được khởi công vào ngày 24/11 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Điều này cho thấy, thủy điện nếu làm tốt sẽ vẫn luôn là nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả của hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và gìn giữ môi trường bền vững./.
|