Google+
Kỹ thuật
Hotline :0909822766 Mr.Thọ
Kỹ thuật thi công
Hotline :0973090044 Mr. Bảo
Tư vấn kỹ thuật
Hotline :08-62711366
Kinh doanh
Hotline :08-66767.114
Online : 8
Tổng lượt : 3289641

Tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Hiện nay, tình hình thời tiết đang chuyển tiếp vào giai đoạn hanh khô, nhiệt độ môi trường tăng, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt gia tăng, bên cạnh đó, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng đang bắt đầu tập trung lượng lớn hàng hóa để chuẩn bị phục vụ nhân dân trong dịp tết cổ truyền Quý Tỵ 2013 làm cho nguy cơ cháy, nổ ở các loại hình cơ sở này ngày càng cao và nếu để xảy ra cháy sẽ gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

 

Nhằm tích cực phòng ngừa, loại trừ hữu hiệu các yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quận 1 đã ban hành văn bản số 1085/PCQ.1-HDKT ngày 19/12/2012 đề nghị Ban Giám đốc các siêu thị, trung tâm thương mại và Ban Quản lý các chợ trên địa bàn quận 1 quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy, đặc biệt tập trung thực hiện các nội dung sau:

1.       Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, chú trọng việc quản lý chặt chẽ các hàng hóa dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động. Trong đó, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và nhân viên đang kinh doanh, làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện nghiêm các quy định như:

- Không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng, các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: xăng, dầu, gas, hóa chất dễ cháy, nổ khác;

- Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện,…) trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh;

- Không sử dụng lửa trần, như: đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, thuốc lá, đốt vàng mã, đốt phong long… trong khu vực kinh doanh;

- Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cáo,… không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy;

- Không dùng các vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, che chắn, làm vách ngăn, làm trần trong các quầy, sạp hàng;

- Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m); lưu ý, việc sắp xếp phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi ngã không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện;

- Bố trí các bình chữa cháy xách tay ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy. Không sắp xếp, trưng bày hàng hóa che khuất các phương tiện, dụng cụ chữa cháy;

- Khi hết giờ kinh doanh, phải sắp xếp toàn bộ hàng hóa, vật dụng vào trong quầy, sạp và đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.

2.       Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định; không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, không để hàng hóa trong các buồng thang, chiếu nghỉ thang bộ; không được khóa, đóng chặt các cửa thoát hiểm trong thời điểm kinh doanh; phải đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ. Cụ thể (theo TCVN 6161:1996):

- Chiều rộng tối thiểu của lối đi chính trong khu vực kinh doanh (từ các cửa chợ đi vào) là 3,6m;

- Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng vải, quần áo may sẵn liền kề nhau là 1,8m;

- Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng giày, dép liền kề nhau là 1,2m;

- Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng khác bố trí song song nhau là 1,2m.

3.       Đối với khu vực giữ xe ở các siêu thị và trung tâm thương mại, phải lưu ý sắp xếp xe ô tô, gắn máy thành các hàng, dãy đảm bảo điều kiện an toàn về đường, lối thoát nạn, bố trí xe đảm bảo lối đi chính rộng tối thiểu 3,5m; lối đi nhánh và chiều rộng dẫn vào cầu thang bộ tối thiểu 01m. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, đặc biệt, không được sắp xếp xe ở các vị trí đặt các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Riêng trong các gian phòng lưu giữ ô tô không cho phép bố trí các gian phòng thương mại, quầy hàng, ki ốt, sạp hàng.

4.       Trong các kho chứa hàng phải sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và thoát nạn, chống cháy lan; đảm bảo điều kiện an toàn trong việc xuất nhập hàng hóa và trong việc sử dụng điện. Không thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc, thắp đèn, nấu nướng trong khu vực kho. Di dời các cầu dao, cầu chì, bảng điện, ổ cắm,… ra bên ngoài kho. Khoảng cách các lô hàng phải sắp xếp cách nhau tối thiểu là 0,8m; lối đi chính trong kho phải có chiều rộng tối thiểu là 1,5m.

5.       Tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện (kể cả hệ thống chiếu sáng, hệ thông chữa cháy và chiếu sáng sự cố). Khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,…; dây dẫn điện bị ải, mục, đổi màu, bong tróc, nứt nẻ; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc của công tắc bị ô xy hóa (gỉ sét, đóng ten) phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy. Khẩn trương khắc phục các sự cố hỏng hóc, trục trặc của hệ thống điện phục vụ chữa cháy và chiếu sáng sự cố; thay thế các đèn chiếu sáng sự cố, đèn hướng dẫn thoát nạn đã hư hỏng trong quá trình sử dụng.

6.       Tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động, máy bơm chữa cháy, lăng vòi chữa cháy, các bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ, thiết bị khác phục vụ cho chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ,  nhằm sử dụng được kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố. Phân công lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ tăng cường tuần tra, ứng trực phòng cháy và chữa cháy 24/24 giờ trong ngày kể từ nay đến hết cao điểm tết Nguyên đán để xử lý kịp thời các sự cố về cháy, nổ.

7.       Hàng ngày, vào đầu giờ và cuối giờ hoạt động kinh doanh, Ban Giám đốc các siêu thị, trung tâm thương mại và Ban Quản lý các chợ phải tổ chức phát thanh tuyên truyền và hướng dẫn nhân viên và tiểu thương chấp hành các quy định của Pháp luật và thực hiện các biện pháp an toàn về phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn cách sử dụng các bình chữa cháy được trang bị tại các quầy, sạp…. Tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo chức trách, thẩm quyền được giao.

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quận 1 sẽ tiến hành kiểm tra các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong việc thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy, trong đó sẽ tập trung kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung đã nêu trên. Trong trường hợp cần thiết, nếu xét thấy các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại có những vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ thì kiên quyết xử lý tạm đình chỉ hoạt động ngay để có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại thiếu sót về PCCC, bảo đảm an toàn PCCC trong thời gian tới nhằm ngăn ngừa không để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý.

 

Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 1