Online : | 12 | |
Tổng lượt : | 3289680 | |
Thủy điện Sông Tranh 2: Dân Bắc Trà My nên đi hay ở? |
||||
Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 11, có hơn 360 đoàn công tác đến huyện vùng cao Bắc Trà My để khảo sát, tìm hiểu về diễn biến động đất và tình trạng rò rỉ nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2.
Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học vẫn chưa có tiếng nói chung. Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế đều khẳng định, nền móng đặt thủy điện Sông Tranh 2 vững chắc. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho biết, không có đới đứt gãy hoạt động ở thủy điện Sông Tranh 2. Còn theo TS Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, thì đây là vùng có động đất. “Từ năm 1715 đến năm 2003 tại đây ghi nhận được 8 trận động đất”, TS Minh nói.
Trước những ý kiến khác nhau của các nhà khoa học càng khiến lòng dân bất an, chính quyền lúng túng. Bà con miền núi cao, mấy ai hiểu được động đất kích thích, động đất kiến tạo là gì? Chỉ biết rằng, từ ngày có thủy điện Sông Tranh 2, người dân nơi đây đứng ngồi không yên, hàng ngày sống trong vùng nguy hiểm. Họ an tâm thế nào được khi mà Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy điện 1 xây dựng có những nội dung sao chép, không sát thực tế? Ông Nguyễn Tài Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng thủy điện 1 thừa nhận những thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nói là thế, nhưng ông Sơn lại “đổ lỗi” do trình độ của chúng ta còn yếu và thiếu kinh nghiệm về địa chất công trình, địa kiến tạo? Vậy, những thiếu sót ấy có ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình hay không thì chẳng nghe ai nhắc đến? Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lo lắng: Hiện nay, cán bộ và người dân Quảng Nam chưa thể yên tâm với cách trả lời của các nhà khoa học. Câu chuyện Sông Tranh 2 được tranh luận gay gắt tại các cuộc hội thảo, nóng dần trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân và càng “nóng” lên trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII. Hôm Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về tiếp xúc với cử tri huyện Bắc Trà My, hàng trăm người dân từ các xã đã về thị trấn để gặp gỡ, gửi gắm các vị đại biểu Quốc hội, nói lên tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông Đinh Mướt, người dân tộc Xê Đăng- nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, người đã gắn cả đời mình trên vùng đất này nói thắng rằng, sự giải thích của các nhà khoa học làm cho bà con thêm bất an. “Mỗi nhà khoa học nói một kiểu. Ai cũng có cái lý riêng. Mong sắp tới Chính phủ sẽ có kết luận toàn diện hơn về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2”, ông Mướt nói. Tâm tư, nguyện vọng của đồng bào huyện Bắc Trà My đã được các đại biểu Quốc hội lắng nghe, chia sẻ. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội đã làm “nóng” nghị trường bằng những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề an toàn thủy điện Sông Tranh 2. Đại biểu Ngô Văn Minh, tỉnh Quảng Nam hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Bộ trưởng khẳng định đập Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn nhưng tại sao Chính phủ vẫn không cho tích nước? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ với quốc dân đồng bào: Đập an toàn, dân yên tâm ở đó. Còn nếu đập không an toàn thì phải di dời dân đi nơi khác, hoặc dừng thủy điện Sông Tranh 2. Trả lời trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ra nhiều chi tiết với nhiều con số kỹ thuật, không đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại câu hỏi: “Bây giờ người dân Quảng Nam không quan tâm tới con số đâu. Người ta chỉ muốn biết là ở yên tâm hay là đi? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng nói rằng: Nước ở thủy điện trong thời điểm này ở mức 161m thì gần như tuyệt đối an toàn. Vấn đề đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay khẳng định là tuyệt đối an toàn. Chỉ còn những yếu tố đặc biệt nếu động đất mà trên 5,5 độ richter thì chúng ta phải nghiên cứu… Việc phát triển thủy điện là hết sức cần thiết để tận dụng các lợi thế về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các sự cố như rò rỉ nước thân đập Sông tranh 2, vỡ đập thủy điện Đăc Mek 3 và những tranh cãi xung quanh vấn đề nên hay không nên làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A…, khiến dư luận băn khoăn về phát triển các dự án thủy điện. Bài học đắt giá từ “điểm nóng” Thủy điện Sông Tranh 2 là việc phát triển thủy điện trước hết phải bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các chủ đầu tư và chính quyền địa phương không nên chạy theo những lợi ích trước mắt về cung ứng điện năng, tạo nguồn thu ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm mà cần tính đến hiệu quả tổng thể, không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả về mặt xã hội và môi trường. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của người dân sở tại để có những quyết định phù hợp khi thực hiện chính sách di dân tái định cư, làm sao cho cuộc sống của bà con vùng dự án sớm ổn định và tốt hơn nơi ở cũ. Nghiên cứu về động đất là vấn đề không đơn giản, cho nên đối với những vùng đất có đới đứt gãy đang hoạt động, hoặc trong quá khứ từng xảy ra động đất thì việc xây dựng thủy điện cần thận trọng và đảm bảo các căn cứ khoa học. Thủy điện Sông Tranh 2 đang trở thành “điểm nóng dư luận” trong năm 2012. Chính quyền và người dân địa phương bất bình trước những thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển thủy điện. Nếu chúng ta làm tốt công tác quy hoạch, cấp phép và giám sát xây dựng sẽ tránh được những sự cố về thủy điện như thời gian vừa qua. Động đất ở Thủy điện Sông tranh 2 chưa có hồi kết, vẫn còn nợ người dân chuyện nên đi hay ở lại? Đã đến lúc cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn từ khâu thẩm định dự án về diện tích rừng bị mất, môi trường thay đổi như thế nào, bao nhiêu hộ dân phải di dời và cuộc sống của họ sẽ ra sao khi xây dựng thủy điện. Điều quan trọng là làm rõ trách nhiệm liên đới đến cùng của chủ đầu tư và người phê duyệt dự án, nếu công trình thủy điện gây ra những hậu quả nghiêm trọng./.
|