Một quan chức Mỹ cho biết trong ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại sau khi các bên liên quan đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và kêu gọi ông thực thi đầy đủ và nhanh chóng thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập.
Trước đó, Nhà Trắng đã hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được, song nói rằng Mỹ vẫn sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu cần. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ: "Giờ cần tập trung vào việc thực thi thỏa thuận, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận tại Ukraine. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 21/2 cũng hoan nghênh thỏa thuận trên và hối thúc tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận, tránh tái diễn bạo lực và nỗ lực vì tương lai Ukraine.
Cũng trong ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton về thỏa thuận hòa bình Ukraine, đồng thời hối thúc EU lên án "những phần tử cực đoan" chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực.
Trong khi đó, phái viên Vladimir Lukin do Tổng thống Nga Vladimir Putin cử đến Kiev nói rằng các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã có tiến triển, nhưng Moskva vẫn có những ngờ vực về thỏa thuận hòa bình do EU làm trung gian và xác nhận ông vẫn chưa ký thỏa thuận này.
Trong một diễn biến mới nhất, Quốc hội Ukraine ngày 21/2 đã bỏ phiếu sửa đổi bộ luật hình sự, vốn có thể mở đường cho việc trả tự do cho lãnh đạo đối lập bị cầm tù Yulia Tymoshenko./.