Online : | 13 | |
Tổng lượt : | 3286955 | |
“Bà hỏa” thiêu trụi nhiều khu công nghiệp trong năm 2013 |
|||
Không thiếu các bằng khen, không ít các cuộc diễn tập, không hiếm lạ các đợt thanh tra, song “bà hỏa” vẫn có thể thường xuyên la liếm được được các kho hàng, nhà xưởng tại nhiều khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước.
Hỏa hoạn tại KCN Linh Trung. Ảnh: Thanh Niên
Chỉ trong năm nay cũng đã có hơn chục vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các nhà máy, KCN trong cả nước. Những vụ cháy này đều gây ra thiệt hại lớn về tài sản cho doanh nghiệp và khiến nhiều công nhân vào hoàn cảnh điêu đứng khi bỗng dưng thất nghiệp vì nơi làm việc đã chỉ còn lại một đống tro tàn.
Vụ hỏa hoạn công nghiệp gần đây nhất xảy ra vào chiều qua (10/12). Lửa bùng lên từ kho chứa hàng tại khu chế xuất công nghiệp Linh Trung 3 thuộc xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, rồi nhanh chóng lan ra và bao trùm toàn bộ khu nhà xưởng. Vụ cháy đã 3 công nhân nam bị thương, trong đó 2 người bỏng nặng khoảng 40% và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy và gây ra thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Vụ cháy xảy ra bất chấp khu chế xuất Linh Trung 3 đã từng được công nhận là khu chế xuất an toàn về PCCC. Đây vốn là nơi làm việc của khá đông lao động nên sau vụ cháy nhiều người cũng sẽ lao đao vì chưa biết công việc sẽ đi đâu, về đâu.
Cháy lớn tại nhà máy Diana Bắc Ninh. Ảnh: VnEpress
Trước đó, ngày 25/10, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại nhà máy của Công ty cổ phần Diana ở Cụm Công nghiệp Tân Chi, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Toàn bộ 5 dây chuyền sản xuất gồm máy móc và vật tư thiết bị đều bị cháy, nhà xưởng bị thiêu rụi. Vụ cháy xảy ra khi nhà máy này mới xây dựng xong và vừa đi vào hoạt động mới được một thời gian ngắn. Trong quá trình dập lửa, phải sau 2 tiếng, cả chục xe cứu hỏa mới đến và tiếp cận đám cháy nhưng vòi rồng cũng không thể vươn vào được bên trong nhà xưởng không cao hơn các tòa nhà cao tầng cấu trúc phức tạp thường dùng làm địa điểm diễn tập, khiến dư luận không khỏi đặt ra nghi ngại về công tác PCCC ở Việt Nam.
Một vụ cháy lớn khác xảy ra vào ngày 21/8/2013, tại công ty Pou-Yuen nằm trên quốc lộ 1A tại KCN thuộc phường Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM, khiến hơn 4.000m2 nhà xưởng cùng nhiều hàng hóa bỗng chốc biến thành tro bụi. Đáng chú ý, đây là vụ cháy thứ 3 trong năm xảy ra tại công ty này.
Vào ngày 25/05 một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tổng kho SPJ của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu máy và phụ tùng (Bộ Công thương) khiến kho hàng điện tử, điện lạnh rộng khoảng 1.000m2 bị thiêu rụi hoàn toàn.
Cách đó vài ngày, vào 18/05/2013, cháy lớn đã xảy ra tại 2 Công ty Shang One Việt Nam và Duy Hưng tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương khiến nhiều nguyên liệu, máy móc của hai công ty này bị thiêu rụi. Đây cũng không phải lần đầu “bà hỏa” ghé qua KCN Sóng Thần.
Tháng 4 năm nay, một vụ cháy lớn xảy ra tại công ty sản may xuất khẩu ở tỉnh Bắc Giang đã thiêu rụi gần 2.000 xe máy, xe đạp cùng nhiều vải vóc và quần áo. Vào ngày 15/4, hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại kho chứa hàng gia dụng của Công ty CP bao bì kho bãi Bình Tây (Biphaco - Q.6, TP.HCM) khiến nhiều hàng hóa trong kho bị cháy hoàn toàn. Trước đó, Vụ hỏa hoạn tại khu nhà xưởng, văn phòng của nhà máy Dragonjet tại KCN Quế Võ Bắc Ninh đã khiến 2 người thiệt mạng. Toàn bộ khu vực nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông chìm trong biển lửa.
Có thể thấy, dù không thiếu các đoàn kiểm tra thường xuyên thanh sát tại các KCN, và thực tế báo cáo cũng ít khi đề cập có đơn vị nào nằm dưới chuẩn an toàn, đâu đâu cũng thấy tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC, vậy mà chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng đủ thôi bay hàng nghìn tỷ đồng, đẩy hàng trăm, hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, tạm thời mất kế sinh nhai. Mà lý ra, khi đã bùng phát một vụ hỏa hoạn lớn nào đó, thường thì sẽ có ngay bài học rút kinh nghiệm, kiểm tra thận trọng, tăng cường đề phòng cháy nổ. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, “bà hỏa” vẫn vào ra các khu công nghiệp, nhà máy quy mô như thường. Mà đến lúc phát hiện ra sự hiện diện của “bà” thì những trang thiết bị phòng chữa cháy tại chỗ có vẻ trở thành vật trang trí cho có, còn lực lượng chức năng thường cũng không thể xuất hiện kịp thời, dù khoảng cách xa gần thế nào. Để rồi, hàng đã tồn, doanh nghiệp đã nợ, nay các công ty bảo hiểm cũng bất ngờ thường phải xuất tiền ra nhiều hơn!
|