Online : | 16 | |
Tổng lượt : | 3287131 | |
Hà Nội không nên vội vàng bức tử nhiều cây xăng |
||
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội quyết định giải tỏa, di dời 12 cửa hàng xăng dầu nhằm tăng cường quản lí, nâng cao chất lượng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Chủ trương thì tốt nhưng cách triển khai thực hiện của một số cơ quan chức năng thành phố vấp phải phản ứng của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ nhiều cây xăng trong nội thành sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường… “Có dấu hiệu đối xử thiếu công tâm” Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (Chi nhánh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), đơn vị có một cửa hàng xăng dầu (CHXD) bị đóng cửa. Được biết, cây xăng của doanh nghiệp đã tồn tại hơn 20 năm qua, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị và người dân xung quanh. Khi làm việc với chúng tôi, doanh nghiệp đã xuất trình hồ sơ pháp lí hợp pháp của CHXD. Về mặt bằng, cửa hàng có diện tích sử dụng 300m2, công tác an toàn, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các quy định khác luôn được bảo đảm tốt. Tuy nhiên, trong phụ lục 3 – công văn số 4239 ngày 14/10/2013 của Sở Công Thương thông báo về việc kiểm tra có đánh giá tồn tại của CHXD này: “Cửa hàng vẫn tiếp tục không xuất trình được các hồ sơ pháp lí cơ bản, không rõ chủ sở hữu… đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và công tác quản lí luộm thuộm, không rõ ràng…”. Nhận định trên đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Tiến cho biết, ngày 25/6/2013, Đoàn Kiểm tra liên ngành bao gồm Sở Công Thương – Cảnh sát PCCC, Sở Giao thông Vận tải, Công an TP Hà Nội đến làm việc nhưng trước đó doanh nghiệp không hề nhận được thông báo. Do đó, khi đoàn kiểm tra yêu cầu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cung cấp các văn bản pháp lí liên quan thì đáp ứng không đầy đủ, kịp thời. Ông Nguyễn Hồng Tiến giải thích: “Doanh nghiệp chúng tôi quản lí theo chất lượng ISO, qua 5 bước điều hành nên việc cung cấp đầy đủ văn bản trong thời gian ngắn là gần như không thể!”. Cũng trong lần kiểm tra này, liên ngành đã chỉ ra một số thiếu sót cần khắc phục của doanh nghiệp, chủ yếu liên quan tới công tác PCCC nhưng đại diện doanh nghiệp đánh giá là chưa khách quan, không đồng tình. Về sự thiếu công tâm, trách nhiệm, theo doanh nghiệp, thể hiện rất rõ qua việc ngày 20/9/213, Sở Công Thương Hà Nội có cuộc họp thông báo về việc triển khai thực hiện Thông báo của UBND thành phố Hà Nội về công tác kiểm tra các CHXD, các đơn vị, doanh nghiệp khác đều được mời tham dự nhưng riêng Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thì không. Ông Nguyễn Hồng Tiến khẳng định, nếu được thông báo và tham dự cuộc họp, đơn vị sẵn sàng bổ sung các văn bản pháp lí theo quy định cũng như trình bày phương án nâng cấp, cải tạo cửa hàng. Cùng chung quan điểm với lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, ông Nguyễn Thiết Bình, chủ CHXD Thạch Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Cửa hàng này bị yêu cầu giải tỏa do nằm trong diện di dời theo dự án khác và đã hết hạn giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 31/5/2012. Ông Bình giải thích, do có quy hoạch mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên nên những năm gần đây Sở Công Thương chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu có thời hạn 1 năm một cho đến khi thực hiện xong dự án mở đường. Đầu năm 2012, ông Bình có văn bản đề nghị UBND xã Thanh Xuân và UBND huyện Sóc Sơn tạo điều kiện cho di dời cửa hàng (theo 2 phương án do doanh nghiệp xây dựng) nhằm phù hợp hơn với quy hoạch mở đường. UBND xã Thanh Xuân đã chấp thuận và có công văn đề nghị UBND huyện nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi. Điều đó khiến doanh nghiệp không được cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và bị giải tỏa, di dời theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Việc làm thiếu trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn đã gây ra muôn vàn khó khăn và hậu quả kinh tế nặng nề đối với ông Bình, một cựu chiến binh bởi cuộc sống của cả gia đình ông chỉ trông chờ vào CHXD này. Cảnh báo nguy cơ từ cái nhìn lệch lạc Theo đánh giá của nhiều người, chủ trương của thành phố Hà Nội thắt chặt quản lí hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất hợp lí. Tuy nhiên, trong bối cảnh mật độ các CHXD, nhất là trong khu vực nội thành quá thấp sẽ gây ra nhiều khó khăn. Hiện khu vực nội thành chỉ có 25% tổng số cây xăng nhưng lại đáp ứng nhu cầu của gần 80% người dân trên địa bàn thành phố. Điển hình như khu vực quận Hoàn Kiếm, đến thời điểm này chỉ còn 2 cây xăng hoạt động, trong khi mật độ dân cư, số lượng các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp tập trung trên địa bàn rất lớn, việc quá tải sẽ là tất yếu ! Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đắc Xuân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 1 (thuộc Tập đoàn Xăng dầu) nhận định: Đã và đang có những cái nhìn lệch lạc về mặt hàng xăng dầu cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu. Mặc dù ai cũng biết tầm quan trọng và sự cần thiết của xăng dầu nhưng từ trước tới nay chỉ có cây xăng phải nhường chỗ cho các công trình khác chứ không bao giờ có chuyện ngược lại. Các cơ quan chức năng thường rất “ngại” khi phải đối mặt với các đơn thư khiếu nại của người dân về sự mất an toàn của các cây xăng, mặc dù nhiều khi đây là những lo lắng không có căn cứ. Giải pháp an toàn nhất là tìm cách dẹp bỏ cây xăng để yên dân. Cứ thế, doanh nghiệp kinh doanh và các CHXD liên tục bị o ép. Về phía Công ty Xăng dầu khu vực 1, trong số 12 cây xăng thuộc diện giải tỏa, di dời đợt này thì doanh nghiệp có tới 3 cửa hàng. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lí và chủ động di dời trước thời hạn quy định nhưng ông Xuân thừa nhận, đây thực sự là cú sốc đối với doanh nghiệp. Hàng chục cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp đang làm việc tại các cửa hàng xăng dầu đối mặt với khó khăn trong công việc, cuộc sống. Cây xăng thì đã bị đóng cửa nhưng vị trí mới để tái hoạt động chưa có, trong khi thủ tục để cho ra đời một cửa hàng xăng dầu mới thường kéo dài từ 5 – 6 năm. Sẽ xem xét việc tiếp tục đóng cửa các cây xăng Theo báo cáo nhanh ngày 5/11/2013 của Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội về kết quả kiểm tra, kiểm soát đối với 12 cửa hàng xăng dầu phải di dời, giải tỏa, các cửa hàng đã nghiêm túc chấp hành quy định dừng hoạt động kinh doanh. Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lí Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở đang tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Đây sẽ là cơ sở để có thể xem xét có tiếp tục đóng cửa các cây xăng khác trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực nội thành trong thời gian tới hay không. Ông Khánh cũng đồng ý với đánh giá về việc mật độ các cửa hàng xăng dầu trong khu vực nội thành Hà Nội quá thấp và những nguy cơ về tình trạng quá tải nghiêm trọng của các cây xăng. Không những vậy, đây cũng có thể là tiền đề cho việc bùng phát dịch vụ bán xăng lẻ trên đường phố, tiềm ẩn mối hiểm họa mất an toàn cháy nổ có thể xảy ra. Nhằm đáp ứng thỏa đáng nhu cầu xăng dầu của người tiêu dùng cũng như bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, giữ vững an toàn giao thông, PCCC, thành phố Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mức độ an toàn của các cây xăng bằng các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần thừa nhận cửa hàng xăng dầu như một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, có những cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho các cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện hoạt động ổn định, lâu dài.
|